Đây là tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo ngày 31/5, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU diễn ra trong 2 ngày ở thủ đô Brussels với nội dung chính thảo luận về vấn đề năng lượng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, nỗ lực lấp đầy kho khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong bối cảnh Nga đã quyết định cắt giảm nguồn cung đối với 5 quốc gia thành viên khối này gồm Phần Lan, Bulgaria, Ba Lan, cũng như Hà Lan và Đan Mạch. Chủ tịch EC cũng nhấn mạnh rằng châu Âu đang đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm các tuyến đường cung cấp khí đốt thay thế. Nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nơi khác trên thế giới ngoài Nga đã tăng gấp đôi trong quý đầu tiên của năm nay, so với năm ngoái.
Tại cuộc họp thượng đỉnh bất thường này, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận ngừng mua tới 90% lượng dầu mỏ của Nga từ nay đến cuối năm, một nội dung quan trọng trong gói trừng phạt thứ 6 liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Ý tưởng về các biện pháp cấm vận khí đốt của Nga ở châu Âu cũng hình thành, tuy nhiên một số nhà lãnh đạo châu Âu đã đề nghị "tạm dừng" các gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Theo Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo, gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với phần lớn hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Nga là "bước tiến lớn", đồng thời đề xuất hiện tại không cần tiếp tục áp đặt thêm trừng phạt với Moskva.
Hội nghị cũng đã thảo luận về kế hoạch REPowerEU nhằm giảm nhanh sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, để đạt được một hệ thống năng lượng linh hoạt hơn và một Liên minh Năng lượng được kết nối chặt chẽ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khuyến khích việc sử dụng nhanh chóng trước mùa Đông tới nền tảng mua năng lượng chung của EU, cũng như mở rộng sự tham gia cho các nước Tây Balkan và ba đối tác phương Đông có liên quan.
Trong kết luận hội nghị, Hội đồng châu Âu đề nghị EC nghiên cứu với các đối tác quốc tế cách thức để kiềm chế giá năng lượng tăng, bao gồm tính khả thi của việc áp dụng giới hạn giá tạm nhập khi thích hợp.
Hội đồng châu Âu ghi nhận tầm quan trọng của các nguồn năng lượng bản địa vì sự an toàn của nguồn cung cấp đồng thời kêu gọi đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo; đẩy nhanh các thủ tục cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo, cải thiện sự đổi mới, năng lực, kỹ năng và chuỗi cung ứng cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió, hydro, năng lượng sinh học, máy bơm nhiệt và nguyên liệu thô.
Hội đồng châu Âu nhấn mạnh việc hoàn thiện và cải thiện kết nối khí đốt và mạng lưới điện của châu Âu bằng cách đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các dự án, bao gồm LNG và điện tương lai và khí sẵn sàng cho hydro kết nối trong toàn EU, kể cả các quốc đảo thành viên. Cần tận dụng lợi thế của bán đảo Iberia để đóng góp vào việc đảm bảo an ninh nguồn cung cho toàn EU.