Phát biểu trên tuần báo Tấm gương (Spiegel) của Đức, bà von der Leyen nhấn mạnh, nếu dữ liệu của cá nhân hoặc các công ty có nguy cơ bị theo dõi theo luật (của Trung Quốc), châu Âu sẽ không thể chấp nhận điều đó. Theo bà, mạng di động 5G siêu nhanh sẽ là "công nghệ then chốt" tương lai và châu Âu sẽ hành động dựa trên tiêu chuẩn chung để đối phó với các quan ngại về an ninh. Nhà lãnh đạo EC khẳng định một trong những tiêu chuẩn đó là việc các công ty cung cấp công nghệ có độ nhạy cảm cao cho châu Âu phải là thực thể độc lập, không bị ép buộc để chuyển dữ liệu cho các chính phủ của các công ty đó.
Tuyên bố trên của bà von der Leyen được đưa ra trong bối cảnh có những quan ngại xung quanh việc các thiết bị của Huawei bị cho có thể sử dụng làm công cụ do thám cho Bắc Kinh. Các ý kiến chỉ trích, đi đầu là Washington, cho rằng Huawei quá gần gũi với Chính phủ Trung Quốc và có thể bị buộc phải chuyển tiếp dữ liệu cho các cơ quan tình báo Trung Quốc theo luật nước này. Phát biểu của người đứng đầu EC nêu trên là tín hiệu mới nhất cho thấy quan điểm cứng rắn của châu Âu đối với Huawei sau khi các bộ trưởng viễn thông Liên minh châu Âu (EU) trong tháng này hối thúc các quốc gia thành viên cân nhắc "khuôn khổ pháp lý và chính sách" đối với các nhà cung cấp thiết bị 5G tiềm năng. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cũng đã yêu cầu các công ty Mỹ ngừng hợp tác với Huawei và hối thúc các đồng minh "tránh xa" công ty Trung Quốc này. Australia và Nhật Bản đã có động thái cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt sự tham gia của Huawei vào phát triển mạng 5G. Tuy nhiên, cho tới nay, Huawei vẫn bác bỏ những thông tin cho rằng thiết bị của họ bị sử dụng cho mục đích do thám, khẳng định Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu Huawei theo dõi khách hàng và công ty cũng sẽ bác bỏ những yêu cầu như vậy.