Bà Leyen kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hợp tác với nhau "thay vì cạnh tranh có hại" để tìm ra vaccine, đồng thời gợi ý các cường quốc thế giới làm tương tự. Theo bà, các nước có thu nhập cao nên hành động như một nhóm mua chung, qua đó dự trữ đủ vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Dự kiến, bà Leyen sẽ công bố một kế hoạch hành động của EU, trị giá khoảng 2,4 tỷ euro, theo đó EU sẽ đứng ra thương lượng mua trước 6 loại vaccine tiềm năng trước khi được bào chế, bất chấp khả năng thất bại trong thử nghiệm lâm sàng. Đổi lại, EU sẽ được quyền tiếp cận ưu tiên với những lô vaccine đầu tiên.
Trong một diễn biến mới nhất, công ty công nghệ sinh học CureVac của Đức đã được phép bắt đầu các thử nghiệm trên người một loại vaccine tiềm năng. Viện Paul Ehrlich (PEI), cơ quan của Đức chịu trách nhiệm tiến hành các thử nghiệm lâm sàng và phê chuẩn vaccine, cho biết việc phê chuẩn thử nghiệm trên là "một bước đi quan trọng". PEI cho biết đã "bật đèn xanh" cho CureVac dựa trên "một đánh giá đầu đủ về lợi ích cũng như nguy cơ" của loại vaccine mà CureVac đang nghiên cứu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện trên thế giới có 11 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người.
PEI cấp phép cho CurVac chỉ 2 ngày sau khi Chính phủ Đức cho biết đã chi 300 triệu euro để sở hữu 23% cổ phần của CureVac, trong một động thái nhằm ngăn chặn nguy cơ công ty này rơi vào tay nước ngoài. Theo truyền thông Đức, CureVac có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq vào tháng tới.