Trả lời phỏng vấn báo Financial Times, ông Draghi nêu rõ Eurozone phải chuyển đổi "từ một chính sách ngân sách quốc gia dựa trên luật lệ sang năng lực kiểm soát tài chính dựa trên thể chế", đồng thời nhấn mạnh đây là phần mang tính sống còn của Eurozone cần được hoàn tất.
Ông cho rằng một ngân sách chung có thể làm bùng phát căng thẳng về chủ quyền quốc gia, song điều quan trọng là làm cho Liên minh châu Âu (EU) trở nên mạnh mẽ hơn để đối phó tốt hơn với một thế giới đang toàn cầu hóa.
Chủ tịch ECB nhấn mạnh, nếu được thực thi từ trước, một công cụ tài chính trung ương đã có thể giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính. Ông cảnh báo nếu không có một công cụ như vậy, hoặc chí ít là có thêm sự ủng hộ của các chính phủ, chính sách tiền tệ sẽ có thể hoạt động chậm hơn và gây ra nhiều tác động không mong muốn.
Tuần trước, phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) tại Brussels, ông Draghi cũng cho rằng các quy định tài chính của Eurozone nên được cải cách để cho phép các nước chi tiêu linh hoạt hơn khi cần thúc đẩy tăng trưởng và ngăn ngừa suy thoái.
Nhiều chuyên gia kinh tế và ngân hàng cho rằng Eurozone cần có năng lực kiểm soát tài chính tập trung để ứng phó với suy thoái kinh tế thông qua chi tiêu mới. Tuy nhiên, các chính trị gia của các nước phía Bắc Eurozone, lại tỏ ra chần chừ với đề xuất này.
Tháng 6 vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính EU đã nhất trí các điểm chính trong dự thảo ngân sách Eurozone với tên gọi Công cụ Ngân sách cho cạnh tranh và hội nhập, một quỹ hạn chế nhằm ủng hộ các cuộc cải cách. Đây là cải cách quan trọng mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy, được nhiều người đánh giá là "những mắt xích bị bỏ lỡ" trong khu vực đồng tiền chung gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng nợ công.