Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU khai mạc ngày 15/10 tại Brussels (Bỉ), ông Sassoli chỉ rõ EP muốn bổ sung khoản tiền này để đầu tư cho các dự án nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục và an ninh. Theo ông, đây là khoản tiền rất nhỏ so với gói hỗ trợ phục hồi tổng thể trị giá 1.800 tỷ euro đã được lãnh đạo EU nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7 nhằm hỗ trợ các nước thành viên khôi phục kinh tế. Ông cho biết EP cũng đã đưa ra những đề xuất cụ thể về cách thức để tăng nguồn ngân sách này.
Gói ngân sách 1.800 tỷ euro cùng với kế hoạch phục hồi mặc dù đã được lãnh đạo các nước EU thông qua tại Hội nghị tháng 7, song thỏa thuận này vẫn cần được EP thông qua và được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Do đó, ông Sassoli cho rằng cần thúc đẩy để các cuộc đàm phán về kế hoạch phục hồi và gói ngân sách hỗ trợ khổng lồ trên được thông qua.
Một quan chức EU cho biết, đáp lại yêu cầu của ông Sassoli, một loạt các nhà lãnh đạo EU, đầu tiên là Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng thỏa thuận này đã nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ các nước thành viên, do đó, không có cách nào để các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận lại về văn kiện hồi tháng 7. Trong khi đó, ông Sassoli lập luận rằng đề xuất của EP chỉ là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật, chứ không phải việc mở lại cuộc đàm phán về thỏa thuận này.
Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 7 diễn ra trong 5 ngày - dài nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của EU. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã đạt đồng thuận về kế hoạch ngân sách lên tới hơn 1.800 tỷ euro, gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro. Theo Hội đồng châu Âu, gói ngân sách này sẽ là công cụ chính để giải quyết các hậu quả kinh tế xã hội do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, EP cảnh báo việc phục hồi kinh tế không được làm giảm khả năng đầu tư hay gây bất lợi cho người dân các quốc gia.