Tuy nhiên, sau khi bày tỏ thiện chí với Hàn Quốc, ông Kim Jong-un lại bác các đề xuất đối thoại của Mỹ, đồng thời gọi đó là sự che đậy cho thái độ thù địch của nước này đối với CHDCND Triều Tiên.
Theo Đài Sputnik, đường dây nóng liên Triều không hề giống đường dây “điện thoại đỏ” trực tiếp nằm bàn của nhà lãnh đạo quốc gia như trong các bộ phim thời Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, nó bao gồm 48 kênh liên lạc khác nhau.
Hơn nữa, các kênh này chưa từng bị huỷ hoại thực sự, song vào những giai đoạn quan hệ ngoại giao bị đóng băng, giới chức cả hai bên sẽ từ chối trả lời hoặc sử dụng chúng. Làng đình chiến Panmunjom cũng có một đường dây liên lạc như thế.
Sau khi tình trạng quan hệ bị chạm đáy vào năm 2020, Triều Tiên đã gửi đi thông điệp không thể nhầm lẫn bằng việc phá nổ văn phòng đại diện chung của họ tại thành phố biên giới Kaesong.
Văn phòng này vừa được phục hồi để sử dụng vào cuối tháng 7 qua, nhưng lại tiếp tục dừng hoạt động chỉ ít ngày sau đó, khi Seoul bắt đầu tập trận chung với Washington.
Phát biểu tại kỳ họp thứ hai của Hội đồng Nhân dân Tối cao, ông Kim Jong-un cho biết mọi việc hoàn toàn do phía Hàn Quốc quyết định, liệu rằng quốc gia này sẽ tiếp tục mối quan hệ bế tắc suốt 71 năm qua giữa hai bên, hay lựa chọn cách thúc đẩy quan hệ mới với Triều Tiên.
Ông tái khẳng định với Seoul rằng Bình Nhưỡng không có lý do gì để khiêu khích hoặc làm tổn thương Seoul. Tuy nhiên, ông nói rằng Seoul nên chấm dứt các hành động thù địch trước khi tìm kiếm một tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Tuyên bố của Chủ tịch Kim Jong-un được đưa ra sau bình luận của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tuần trước. Trong đó, ông muốn đề xuất về tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu từ năm 1950. Trong khi lệnh ngừng bắn được thực thi năm 1953, không có hiệp ước hòa bình vĩnh viễn được ký kết giữa hai bên, dẫn đến việc tạo ra vùng phi quân sự (DMZ) chia cắt hai quốc gia cũng như sự hiện diện của 28.000 lính Mỹ tại Hàn Quốc.
Hồi đầu tuần, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên, cũng cho biết vào rằng Bình Nhưỡng vẫn mở cửa cho một hội nghị thượng đỉnh liên Triều với các nhà lãnh đạo từ Hàn Quốc, nhưng chỉ khi hai bên đạt sự tôn trọng lẫn nhau và Nhà Xanh từ bỏ tiêu chuẩn kép của mình.
Hai nhà lãnh đạo Moon Jae-in và Kim Jong-un đã thảo luận về tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong lần tái hợp tác lịch sử vào năm 2018, dẫn đến việc nới lỏng căng thẳng quân sự và mở ra các mối quan hệ văn hóa và thương mại mới. Tuy nhiên, sau khi các cuộc đàm phán song song giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tan vỡ, cùng với việc ông Moon Jae-in từ chối rút lui khỏi quan hệ đồng minh với Mỹ, quan hệ liên Triều đã sớm trở nên tồi tệ.
Hôm 29/9, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) thông báo sẽ nhóm họp vào ngày hôm sau để thảo luận về chủ đề Triều Tiên. LHQ đã kêu gọi quốc gia từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng nhấn mạnh họ cần đảm bảo an ninh trong trường hợp không có hiệp ước hòa bình với Mỹ và rút bỏ quân đội cùng vũ khí Mỹ khỏi bán đảo.
Những năm gần đây, Triều Tiên đã thử nghiệm các loại vũ khí tầm ngắn không bị cấm bởi các nghị quyết của LHQ.