Phát biểu trước cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ông Centeno nhấn mạnh các nước châu Âu đều nhận thức được rằng dịch COVID-19 chưa lên tới đỉnh điểm. Do đó, những biện pháp hiện nay mà các nước châu Âu đưa ra nhằm ứng phó với dịch chỉ là tạm thời trong một cuộc chiến lâu dài. Theo ông, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cưỡng ép hiện nay đang đẩy nền kinh tế của các nước châu Âu rơi vào thời kỳ giống chiến tranh.
Dự kiến, trong cuộc họp diễn ra ngày 16/3 này, Bộ trưởng tài chính các nước châu Âu sẽ ký phê chuẩn dự thảo đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) soạn thảo nhằm phối hợp nỗ lực của các nước khu vực trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay. Văn kiện này sẽ có sự điều chỉnh về các quy định liên quan đến việc các nước thành viên bội chi. Ông Centeno khẳng định EU sẽ đảm bảo các quy định tài chính của khối hay các quy định cứu trợ các nước thành viên sẽ có sự linh hoạt khi thực thi.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bộ trưởng các nước chưa có ý định thảo luận về gói cứu trợ kinh tế châu Âu hay bất cứ cuộc giải cứu toàn châu Âu nào.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng thách thức kinh tế hiện tại mà EU đang phải đối mặt cũng tương tự như cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực tới châu Âu hồi năm 2008. Vào thời điểm đó, với dự đoán suy thoái kinh tế sẽ xảy ra vào năm 2009, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý "bơm" 200 tỷ euro, tương đương 1,5% tổng GDP của liên minh này, vào nền kinh tế khu vực để ngăn chặn nguy cơ trên. Mặc dù nền kinh tế Eurozone trong năm 2009 đã giảm 4,4% so với năm 2008 song khoản chi trên đã hạn chế phần nào mức độ suy thoái kinh tế ở khu vực này.
Trước tình trạng dịch COVID-19 đã làm đình trệ tất cả hoạt động kinh tế, Uỷ ban châu Âu (EC) mới đây dự đoán EU và Eurozone sẽ có thể rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2020 cho dù hồi tháng 2/2020 đã dự báo kinh tế Eurozone có thể tăng trưởng 1,2% trong hai năm 2020 và 2021.