Tờ Bloomberg đưa tin Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu (CEEC) vừa khai mạc vào chiều 9/2. Ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng với những nhà lãnh đạo và đại diện cấp cao các nước tham dự CEEC, hay còn gọi là 17 + 1.
Theo tờ China Daily, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc mang hai thông điệp chính là Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước Trung Âu và Đông Âu về vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và Trung Quốc cam kết nhập khẩu hàng hóa trị giá 170 tỷ USD từ các nước Trung và Đông Âu trong 5 năm tới.
Phát biểu tại diễn đàn, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi các nước Trung và Đông Âu thể hiện vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác liên vùng và Sáng kiến Vành đai-Con đường. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, cả Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu đều tin tương rằng sự cởi mở sẽ mang lại những cơ hội, vốn là lý do cơ bản để hợp tác Trung Quốc – CEEC có thể vẫn còn phát triển.
Trung Quốc đang nỗ lực để xây dựng lại quan hệ ngoại giao ở châu Âu khi nước này đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng đối với nhiều vấn đề từ việc xử lý thông tin về đại dịch COVID-19 đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với Đặc khu tài chính Hong Kong.
Hội nghị trực tuyến ngày 9/2 diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh vừa ký kết một thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt với Liên minh châu Âu (EU) sau 7 năm đàm phán. Giới quan sát nhận định ông Tập Cận Bình cũng có thể sử dụng bài phát biểu để nêu bật lợi ích của thỏa thuận trên đối với 17 thành viên khác của diễn đàn.
CEEC lần đầu thành lập vào năm 2012 như một kênh để Trung Quốc củng cố quan hệ với 16 quốc gia Đông Âu bao gồm các quốc gia Baltic như Latvia, Lithuania và Estonia. Hy Lạp gia nhập nhóm vào năm 2019. Thương mại giữa Trung Quốc và các nước này đạt 103 tỷ USD vào năm 2020, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hungary và Serbia đang triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 bằng vaccine của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia Đông Âu lại có xu hướng “lạnh nhạt” đối với nhóm 17 + 1 do gia tăng bất mãn khi một số người cho rằng Bắc Kinh không thực hiện lời hứa đầu tư vào khu vực.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh đề nghị giấu tên, một số nước thành viên CEEC không hài lòng với việc mở rộng cán cân thương mại giữa họ và Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh chỉ ra rằng khối lượng thương mại giữa nước này với khu vực Trung và Đông Âu ngày càng tăng.
“Những lợi ích kinh tế mà các nước CEEC mong đợi đạt được thông qua khuôn khổ 17 + 1 đã không thành hiện thực. Để lấy lại động lực, Trung Quốc sẽ phải đưa ra một đề nghị cụ thể, hấp dẫn các nước CEE bị vỡ mộng”, theo bài viết hồi tháng 1 của ông Grzegorz Stec, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Merics ở Berlin, Đức.
Theo tờ Politico, việc hủy bỏ một hội nghị thượng đỉnh CEEC trực tiếp vốn được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 4/2020 đã làm suy yếu thêm quan hệ giữa các thành viên. Lithuania và Estonia cho biết nhà lãnh đạo hai nước sẽ không cử các quan chức cấp thấp hơn dự họp thay họ vào ngày 9/2.
Ông Wang Yiwei, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh và là một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đang hy vọng hợp tác với Đông Âu trong các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của EU. Các lĩnh vực này bao gồm kiểm soát dịch bệnh, biến đổi khí hậu và giao lưu văn hóa.