Diễn biến phức tạp ở Libi vẫn tiếp tục theo chiều hướng xấu đi trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Moamer Kadhafi và phe nổi dậy vẫn không có ý định nhượng bộ nhau. Hơn nữa, sức ép của các nước phương Tây nhằm buộc ông Kadhafi phải từ chức cũng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Thậm chí, có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh sẵn sàng can thiệp quân sự để giải quyết tình hình ở Libi và điều này khiến cho “chảo lửa” trong khu vực càng trở nên nguy hiểm hơn.
Tổng thống Libi M.Kadhafi trước khi tham dự lễ kỷ niệm 34 năm thành lập Ủy ban Dân tộc Libi ngày 2/3. Ảnh: AFP - TTXVN |
Bất ổn gia tăng
Tình hình tại khu vực biên giới Libi và Tuynidi đang lên tới mức “khủng hoảng” khi có tới hơn 100.000 người dân Libi chạy loạn tới đây trong những ngày qua. Một quan chức của LHQ cho biết hàng nghìn người thuộc nhiều quốc gia khác nhau vẫn đang mắc kẹt tại khu vực này trong bối cảnh thức ăn và nước uống đang cạn kiệt.
Thậm chí số lều bạt được dựng lên để cho những người bị mắc kẹt ở khu vực biên giới cũng đã quá tải khiến nhiều người phải ngủ ngoài trời trong thời tiết giá lạnh. Hiện LHQ đang cố dàn xếp để đưa số người bị mắc kẹt ở khu vực này sang Tuynidi trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, hãng AFP đưa tin, phần lớn đất nước, trong đó có những khu vực dầu mỏ chủ chốt ở miền đông, đã rơi vào tay lực lượng chống chính phủ. Quân của Tổng thống Kadhafi hiện vẫn kiểm soát thủ đô Tripôli.
Nhằm giành lại các thị trấn và thành phố, những người ủng hộ ông Kadhafi đã giao tranh dữ dội với lực lượng chống chính phủ tại thị trấn Zawiyah (cách Tripôli 60 km về phía tây), thành phố Zintan (cách Tripôli 145 km về phía tây nam) và thị trấn miền đông Brega, một cửa ngõ xuất khẩu dầu mỏ của Libi.
Cùng ngày, trong chiến dịch tăng cường quân đội ở biên giới với Tuynidi, những binh lính ủng hộ Tổng thống Kadhafi đã trở lại cửa khẩu Wazin. Trong khi đó, lực lượng chống chính phủ cho biết đã thành lập hội đồng quân sự ở thành phố miền đông Benghazi và đang tìm cách tuyển quân, gồm những người tình nguyện hoặc binh sĩ đào ngũ.
Trong bài phát biểu ngày 2/3 được truyền trực tiếp trên truyền hình nhân kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Ủy ban Dân tộc Libi, Tổng thống Kadhafi nhấn mạnh người dân nước này được phát huy các quyền của mình thông qua các ủy ban dân tộc và các hội nghị dân tộc. Nhà lãnh đạo Libi khẳng định ông chỉ đơn thuần là "một biểu tượng" và nêu rõ ông đã trao quyền lực cho nhân dân từ năm 1977.
Hàng nghìn người nước ngoài đang bị mắc kẹt và phải vạ vật ở khu vực biên giới giữa Libi và Tuynidi. Ảnh: AFP - TTXVN |
Ông Kadhafi cũng cảnh báo phương Tây không nên can thiệp và hậu thuẫn phe đối lập trong nước, cho rằng điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh, đe dọa cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân Libi. Cùng ngày, Tổng thống Kadhafi đã bổ nhiệm hai quan chức mới trong chính phủ, đảm nhiệm các cương vị Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp, thay thế những người vừa từ chức.
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News (Anh), con trai Tổng thống Kadhafi, ông Seif al-Islam, phủ nhận thông tin rằng chính phủ Libi đã tấn công thường dân. Ông Seif thách phương Tây và các nhà báo đưa ra bằng chứng về việc chính phủ Libi sử dụng quân đội tấn công người dân của mình. Ngoài ra, ông Seif cũng bác tin cho rằng chính phủ đã mất quyền kiểm soát miền đông Libi, song thừa nhận không còn một đội quân có tổ chức ở đó.
Biện pháp mạnh của Mỹ
Nguồn tin quốc phòng Mỹ giấu tên ngày 2/3 cho biết tàu khu trục USS Barry đã đi qua kênh đào Suez từ Biển Đỏ và hiện đang ở phía tây nam của Địa Trung Hải, trong khi hai tàu USS Kearsarge và USS Ponce cũng đang trên đường tới khu vực này. Nhà Trắng tuyên bố các tàu trên được huy động để sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực nhân đạo, song cũng “không loại trừ khả năng hành động quân sự”.
Trước đó, đã có 3 tàu chiến Mỹ có mặt tại Địa Trung Hải, gồm hai tàu khu trục và USS Mount Whitney - tàu điều khiển Hạm đội 6 của Mỹ có căn cứ tại Gaeta (Italia).
Cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lên án chính phủ Libi và yêu cầu Tổng thống Kadhafi từ chức. Nghị quyết này đồng thời kêu gọi ông Kadhafi không có thêm hành động vũ lực, trả tự do cho những người đã bị bắt giữ một cách vô cớ và bảo đảm an toàn cho những người muốn rời khỏi đất nước.
Bên cạnh đó, Thượng viện Mỹ cũng hối thúc HĐBA LHQ áp đặt một vùng cấm bay trên lãnh thổ Libi. Phát biểu tại phiên điều trần trước Thượng viện, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, tướng James Mattis, cho rằng việc lập vùng cấm bay ở Libi sẽ đòi hỏi một chiến dịch quân sự “đầy thách thức”.
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho biết Oasinhtơn sẽ duy trì sức ép chính trị và kinh tế đối với Tổng thống Kadhafi cho đến khi ông này phải từ chức. Theo bà Rice, hiện vẫn còn sớm để đề cập đến việc Mỹ cung cấp, hỗ trợ vật chất cho lực lượng chống lại ông Kadhafi.
Chia rẽ trong cộng đồng quốc tế
Ngày 2/3, kỳ họp thứ 65 của Đại hội đồng LHQ gồm 192 thành viên đã nhất trí thông qua nghị quyết đình chỉ các quyền thành viên của Libi tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Với việc thông qua nghị quyết này, Đại Hội đồng LHQ đã phê chuẩn việc đình chỉ chưa từng có tiền lệ tư cách thành viên tại Hội đồng Nhân quyền. Đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall Grant cùng ngày cho hay, HĐBA LHQ có thể sẽ đưa ra một hành động mới đối với Libi, trong đó có khả năng áp đặt vùng cấm bay.
Tàu USS Kearsarge trên đường vượt qua kênh đào Suez để tới Libi. |
Nối tiếp Mỹ, LHQ và Liên minh châu Âu (EU), Đức cùng ngày cho biết nước này đã phong tỏa các tài khoản ngân hàng trị giá 2,8 triệu USD của gia đình Tổng thống Kadhafi. Tây Ban Nha và Áo cũng thông báo phong tỏa các tài khoản liên quan đến gia đình ông Kadhafi và những nhân vật liên đới. Trước đó, Anh và Thụy Điển cũng đã phong tỏa tài sản của Tổng thống Kadhafi và gia đình.
Về phía Canađa, nước này đã tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Bắc Phi đồng thời áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với chính quyền của Tổng thống Kadhafi, trong đó có lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Trong khi đó, báo chí Italia đưa tin Rôma đang xem xét việc phong tỏa các tài sản của nhà nước Libi ở Italia, tuân theo các lệnh trừng phạt được LHQ và EU áp đặt đối với Tổng thống Kadhafi.
Trong khi nhiều nước phương Tây có những tuyên bố và hành động cứng rắn đối với Libi thì cũng có nhiều ý kiến phản đối việc can thiệp vào vấn đề của nước này.
Ngày 2/3, Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez yêu cầu thành lập Ủy ban Hòa bình Quốc tế cho Libi với sự tham gia của tất cả các nước trên thế giới mong muốn một giải pháp hòa bình đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại Libi.
Về phía Yêmen, Tổng thống nước này Ali Abdullah Saleh cáo buộc Ixraen và Mỹ xúi bẩy các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra tại Libi nói riêng và một số nước Arập nói chung. Đây là chỉ trích công khai gay gắt nhất mà ông Saleh nhằm vào Mỹ, một đồng minh quan trọng của Yêmen.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cũng đưa ra lời cảnh báo phương Tây không được can thiệp quân sự vào Libi, cho rằng các nước phương Tây không nên lợi dụng phong trào biểu tình của nhân dân Libi để biến nước này thành một căn cứ quân sự.
Trong cuộc họp sẽ diễn ra hôm nay (3/3) tại Cairô (Ai Cập), Ngoại trưởng 22 nước thành viên Liên đoàn Arập (AL) dự kiến thông qua nghị quyết phản đối sự can thiệp quân sự vào Libi, kêu gọi đoàn kết dân tộc tại Libi, tăng cường hỗ trợ quốc gia này và ủng hộ thành lập một lực lượng tìm hiểu tình hình thực tế.
Trong một diễn biến có liên quan, Đài Tiếng nói nước Nga nhận định, những biến động chính trị tại Libi có thể dẫn đến gây chia rẽ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Trong khi Mỹ đang chuẩn bị việc can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Libi thì các đối tác châu Âu thuộc NATO lại chưa tỏ ra sẵn sàng ủng hộ Oasinhtơn. Người phát ngôn NATO, bà Oana Lungescu, cho biết các nước thành viên khối này đang tích cực tham vấn về cuộc khủng hoảng ở Libi để “chuẩn bị cho mọi tình huống” xảy ra.
Tuy nhiên, bà Lungescu cũng nhấn mạnh việc thiết lập bất cứ vùng cấm bay nào ở Libi cũng cần được LHQ phê chuẩn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự nước ngoài vào Libi. Theo ông Lavrov, vấn đề đất nước này, cũng như các quốc gia khác ở Bắc Phi và Trung Đông, phải do chính dân tộc họ giải quyết, không có sự ép buộc từ bên ngoài, thông qua các cuộc đối thoại trong nước và sự đồng thuận của cả xã hội.
Nam Hạnh (Tổng hợp)