Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt dưới những đống đổ nát sau trận động đất ở Pidie Jaya, tỉnh Aceh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ quán Việt Nam cho biết thực tế đây cũng là khu vực hầu như không có người Việt sinh sống. Đại sứ quán Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Indonesia theo dõi và cập nhật thông tin.
Tính đến chiều 7/12, đã có gần 100 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương do trận động đất trên. Ngay sau khi xảy ra trận động đất, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho các bộ, ngành, các cơ quan liên quan cử các nhóm công tác khẩn trương có mặt tại hiện trường và tham gia công tác khắc phục hậu quả.
Tại buổi lễ của các tín đồ Hồi giáo trưa cùng ngày, Tổng thống Indonesia cũng dành thời gian cầu nguyện cho cộng đồng tại khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất. Ông đã động viên và kêu gọi người dân trong khu vực bình tĩnh vì không có thông tin về sóng thần xảy ra sau động đất.
Trong khi đó, Bộ trưởng Xã hội, Khofifah Indar Parawansa đang có chuyến thăm Papua cũng lập kế hoạch thăm quận Pidie Jaya, tỉnh Aceh vào ngày 9/12. Ông yêu cầu các lực lượng cứu hộ sơ tán người dân bị thương và tìm kiếm các thi thể nạn nhân còn bị vùi lấp.
Trận động đất trên xảy ra khi các tín đồ Hồi giáo đang chuẩn bị cho buổi lễ cầu nguyện đầu tiên của ngày mới. Theo thống kê, ít nhất 5 dư chấn đã xảy ra trong vòng vài giờ sau trận động đất ban đầu. Nhiều công trình xây dựng như các tòa nhà, đền thờ, cửa hiệu và công trình hạ tầng khác đã đổ sập. Báo cáo thiệt hại ban đầu cho thấy một bệnh viện và trường học địa phương đã bị hư hại nặng nề. Tuy nhiên, con số chính xác vẫn chưa được thống kê.
Do nằm ở "Vành đai lửa" Thái Bình Dương nên Indonesia thường xuyên xảy ra các trận động đất và núi lửa phun trào. Năm 2004, tỉnh Aceh là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận động đất mạnh 9,2 độ Richter kèm theo sóng thần trên toàn khu vực Ấn Độ Dương. Thảm họa đã khiến hơn 120.000 người thiệt mạng và Aceh bị tàn phá nặng nề.