Lần đầu tiên phương pháp sử dụng vi khuẩn Listeria, loại vi khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm, để tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tụy đã được thử nghiệm thành công trên động vật, mở ra hy vọng mới trong công tác điều trị ung thư ở người.
Nhà khoa học Claudia Gravekamp, chuyên gia về vi trùng và miễn dịch của trường Cao đẳng Y khoa Albert Einstein thuộc Đại học Yeshiva ở New York (Mỹ) đồng thời là tác giả nghiên cứu, cho biết nhóm nghiên cứu của bà đã tiến hành đưa những vi khuẩn Listeria yếu vào cơ thể những con chuột mắc ung thư tuyến tụy. Những vi khuẩn này được gắn kèm đồng vị phóng xạ thường được sử dụng trong điều trị ung thư.
Thí nghiệm cho thấy những vi khuẩn phóng xạ này sau khi được đưa vào cơ thể chuột tác động đến các tế bào ung thư nhưng lại không gây ảnh hưởng gì đến các tế bào bình thường. Sau 3 tuần điều trị bằng phương pháp này, tế bào ung thư ngừng di căn ở 90% cá thể chuột, các phản ứng phụ cũng không được ghi nhận. Thí nghiệm kéo dài 21 ngày, dừng lại sau khi nhóm chuột ung thư không được điều trị bắt đầu chết.
Ung thư tuyến tụy là dạng ung thư phát triển rất nhanh và đặc biệt nguy hiểm, bởi bệnh chỉ có thể phát hiện một khi đã phát triển ra ngoài khu vực tuyến tụy. Bệnh nhân không được chữa trị thường tử vong chỉ trong vòng từ 3 - 6 tháng, tỷ lệ sống sót sau 5 năm cũng chỉ ở mức 4%. Các nhà khoa học cho biết hiện vẫn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác để đảm bảo phương pháp này có thể áp dụng cho điều trị ở người cũng như để xem xét khả năng kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, kết quả khả quan này có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị di căn ung thư tuyến tụy.
TTG