Tại thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 3,7% xuống còn 16.420,81 điểm, chỉ số Hang Seng (Hong Kong) giảm 3,5% xuống còn 18.953,96. Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) cũng mất 1,3% xuống còn 2.9,92 điểm và chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 2,3%. Nhiều thị trường chứng khoán ở khu vực Đông Nam Á cũng giảm.
Trong khi đó, tại New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 47 cent Mỹ xuống mức 27,99 USD/thùng. Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1, giá WTI đã giảm 96 cent xuống 28,46 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc mất 13 cent xuống còn 28,63 USD, trong khi giá mặt hàng này tăng 21 cent và đứng ở mức 28,76 USD ngày 19/1.
Trong bối cảnh giá dầu và giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu hơn, khiến vàng lại nổi lên như một tài sản an toàn, giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày 20/1 trên thị trường châu Á. Tại thị trường Manila (Phillippines), giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.091,36 USD/ounce.
Trong báo cáo về triển vọng hàng hóa năm 2016, các nhà phân tích của Citigroup cho rằng vàng đang dần lấy lại sức hấp dẫn là một tài sản an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng tại khu vực vùng Vịnh, kinh tế Trung Quốc bất ổn và các thị trường chứng khoán sụt giảm. Giá vàng đã chạm mốc cao nhất hai tháng là 1.112 USD/ounce vào ngày 8/1 và sau đó được giao dịch chủ yếu ở dưới mức này. Hiện vàng đang đối mặt với ngưỡng kháng cự khoảng 1.090 USD/ounce.
Nhu cầu mua vàng từ Trung Quốc - nhà tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - đang giảm do bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa. Một số dự báo cho rằng nền kinh tế số hai thế giới có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm nay, so với mức 6,9% của năm 2015.
Nhà phân tích James Steel của HSBC nhận định mốc 1.100 USD/ounce vẫn là một ngưỡng kháng cự cứng, và để giá vàng cán được mốc này vẫn cần phải có thời gian.
Hôm 19/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lần cắt giảm thứ ba trong vòng chưa đầy một năm sau khi kinh tế Trung Quốc năm 2015 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. IMF dự báo Tổng sản phẩm toàn cầu (GDP) sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm 2016, giảm 0,2% so với dự báo công bố hồi tháng 10/2015. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm 2016 so với mức 4% của năm ngoái và sẽ tăng 4,7% trong năm 2017.