Chỉ số FTSE All-World toàn cầu giảm 3%, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 6/2020 và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Chưa thoát khỏi lo ngại về xu hướng tăng lãi suất, giới đầu tư lại chịu thêm sức ép từ những tín hiệu tiêu cực liên quan đến khả năng suy giảm tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Dữ liệu do Bắc Kinh công bố ngày 9/5 cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 rơi xuống mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây.
Trên sàn giao dịch tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số S&P 500 giảm 3,2%, chỉ số Nasdaq giảm 4,3%. Còn tại châu Âu, chỉ số tổng hợp khu vực Stoxx 600 mất 2,9% điểm. Chỉ số CSI 300 (Trung Quốc) và Topix (Nhật Bản) lần lượt giảm 0,8% và 2%.
Theo chiến lược gia Joost van Leenders tại Quỹ đầu tư Kempen Capital, hiện rất khó để khẳng định thị trường chứng khoán đã ở gần mức đáy hay chưa. Giới đầu tư hiện không còn kỳ vọng vào kịch bản Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ưu tiên ổn định thị trường tài chính như cách cơ quan này từng làm ở thời điểm đầu đại dịch COVID-19.
Dầu thô cũng trải qua phiên mất giá mạnh. Dầu Brent Biển Bắc chốt phiên ngày 9/5 giảm gần 6%, xuống còn 105,94 USD/thùng.
Xu hướng tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương khiến nhà đầu tư phải cân nhắc lại các quyết định đầu tư, chọn ra mức đầu tư phù hợp với các tài sản mang tính rủi ro. Bitcoin, đồng tiền số được coi là tài sản đầu cơ cao, cũng giảm hơn 10% trong ngày 9/5, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.