Trong vài tháng đầu tiên xảy ra đại dịch, SARS-CoV-2 không cần phải trở nên nguy hiểm hơn. Virus lây lan nhanh chóng với trung bình mỗi người nhiễm mới sẽ truyền cho hai đến ba người khác. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học hy vọng rằng chủng virus ban đầu, được gọi là "loại hoang dã", đã đủ sức lây lan để nó không phát triển thêm nữa.
Nhưng khi đại dịch bùng phát và nhiều người bị nhiễm hơn, SARS-CoV-2 có nhiều cơ hội tái tạo hơn, và do đó đột biến gây ra những thay đổi ngẫu nhiên, nhỏ trong trình tự di truyền của nó. Hầu hết các đột biến là vô hại, nhưng thường thì một tập hợp khác biệt lại tạo ra các đặc tính mới dẫn đến hình thành một biến thể.
Theo tờ Insider, giới khoa học hiện ước tính rằng các biến thể đã gần như thay thế hoàn toàn chủng gốc ở Mỹ.
Tyler Starr, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nói với Insider: “Khá nhiều loại virus đang lưu hành hiện nay đều có một biến thể khiến nó trở nên khác với chủng ban đầu từng xuất hiện trên khắp thế giới”.
Phân tích dưới đây cho thấy một vài biến thể đã thống trị nước Mỹ kể từ tháng 2 như thế nào. Hơn 200 chủng virus ít phổ biến hơn, trong đó có cả phiên bản gốc của virus, được liệt kê là "loại khác".
Biến thể Alpha – lần đầu được phát hiện ở Anh tháng 9/2020 - trở nên phổ biến ở Mỹ từ tháng 2 đến tháng 4, chiếm từ 27% đến 70% tổng số các chủng đang lưu hành. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nó có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với chủng ban đầu.
Trong khi đó, tỷ lệ của các chủng SARS-CoV-2 khác, kể cả chủng gốc, đã giảm từ 20% xuống 4%.
Đến tháng 5 vừa qua, biến thể Alpha đã có đối thủ cạnh tranh mạnh là Delta. Một phân tích từ Public Health England cho thấy biến thể Delta có liên quan đến việc tăng 60% nguy cơ lây truyền trong hộ gia đình so với Alpha, mặc dù các ước tính gần đây hơn cho thấy sự khác biệt gần hơn là 40%.
Từ tháng 5 đến tháng 6, Delta tăng từ mức dưới 3% trong tổng số các chủng virus lưu hành ở Mỹ lên hơn 20%. Nó đã sẵn sàng để trở thành chủng thống trị của Mỹ trong vòng vài tuần tới.
"Về cơ bản, một khi Delta lây lan đến đâu, nó sẽ lấn át các biến thể ở đó. Đây là bằng chứng cho thấy, ở một mức độ nào đó, nó dễ lây lan hơn”, ông Starr nói.
Trên thực tế, một số nhà khoa học đặt câu hỏi rằng liệu virus gây COVID-19 đang đến gần “đỉnh sung sức” hay chưa. Tại thời điểm này, virus sẽ không còn biến đổi để trở nên dễ lây nhiễm hơn nữa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Delta là biến thể "khỏe nhất" cho đến nay. Ngoài khả năng lây truyền cao hơn các chủng khác, nó cũng có thể gây tử vong cao hơn. Các nhà nghiên cứu ở Scotland phát hiện rằng nhiễm Delta tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện so với Alpha. Một số nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng biến thể Alpha có thể gây tử vong cao từ 30 đến 70% so với chủng ban đầu. Tất nhiên, tiêm vaccine phòng bệnh làm giảm đáng kể nguy cơ đó cho cả hai biến thể.
Andrew Read, người nghiên cứu sự phát triển của các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bang Pennsylvania, cho biết: “Delta đang đi lên đỉnh cao về sức mạnh. Nhưng khi nào nó lên đến đỉnh cao nhất thì rất khó khẳng định. Nếu Delta trở thành biến chủng thống trị thế giới và không có gì thay đổi thì chúng ta hiểu rằng sau khoảng thời gian từ một hoặc hai năm, nó sẽ đạt đỉnh khỏe nhất”.
Dù vậy, ông Tyler Starr tin rằng virus có thể sẽ không bao giờ ngừng đột biến. Ông nói: “Khi mọi người tiếp tục có được khả năng miễn dịch, virus sẽ tiếp tục phát triển để có thể truyền và lây nhiễm sang người. Nhưng đồng thời, chúng ta sẽ có phản ứng miễn dịch ở mức độ thấp khiến nó trở nên ít nghiêm trọng hơn theo thời gian".
Mặt khác, vẫn có khả năng một chủng hoàn toàn mới có thể thay thế Delta làm biến thể thống trị. Hoặc hai biến thể ,ví dụ Delta và Alpha, có thể kết hợp các đột biến để tạo ra một chủng lây nhiễm mạnh hơn. Trong trường hợp xấu nhất, virus có thể phát triển thành một biến thể gây hậu quả cao, khác biệt nhiều so với các biến thể đang lưu hành và có khả năng kháng vaccine cao. Khả năng trên vẫn chưa được quan sát thấy.