Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã lên tới hơn 14.000 trường hợp và và 511 ca tử vong. Đậu mùa khỉ còn lây lan sang bốn quốc gia láng giềng CHDC Congo là Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Cả 4 quốc gia này trước đây chưa từng ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ.
Các quan chức WHO ngày 7/8 cho biết họ có kế hoạch sớm triệu tập một ủy ban khẩn cấp để xác định liệu đợt bùng phát dịch này có phải là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu hay không.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 7/8 đã ban hành cảnh báo y tế và khuyến nghị rằng các bác sĩ duy trì chỉ số nghi ngờ cao về đậu mùa khỉ ở những người gần đây đã đi du lịch CHDC Congo hoặc các quốc gia láng giềng.
Đậu mùa khỉ là căn bệnh do virus gây ra, có thể lây lan giữa người và động vật bị nhiễm bệnh. Theo WHO, đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc gần như chạm, hôn hoặc quan hệ tình dục, cũng như qua các đồ dùng như khăn trải giường, quần áo và kim tiêm. Các triệu chứng bao gồm sốt, phát ban gây đau, đau đầu, đau cơ và lưng, mệt mỏi và hạch bạch huyết sưng to. Trong nhiều thập niên, căn bệnh này chủ yếu được ghi nhận ở Trung và Tây Phi, nhưng nó cũng bắt đầu lây lan đến châu Âu và Bắc Mỹ vào năm 2022.
Đậu mùa khỉ có hai nhánh gene di truyền, I và II. Nhánh II đã gây ra dịch lan rộng trên toàn cầu từ năm 2022. Nhánh Ib, đã lưu hành ở CHDC Congo trong nhiều năm, gây ra bệnh nghiêm trọng hơn và là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát hiện nay ở quốc gia này. Mặc dù nó có nguy cơ gây tử vong cao hơn, nhưng không có bằng chứng cho thấy nó dễ lây truyền hơn.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo ngày 7/8 cho biết tính từ tháng 1/2023, CHDC Congo ghi nhận 22.000 trường hợp nghi ngờ mắc nhánh I của đậu mùa khỉ với 1.200 người tử vong.
WHO tiếp tục khuyến cáo tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ cho những người tiếp xúc với người bệnh hoặc có nguy cơ cao mắc virus. Hai quốc gia trong khu vực châu Phi là Nigeria và CHDC Congo, đã chấp thuận sử dụng vaccine phòng đậu mùa khỉ cho mục đích khẩn cấp.
Ông Tedros cho biết việc ngăn chặn lây lan đậu mùa khỉ sẽ cần phản ứng toàn diện và mang tầm quốc tế. WHO cũng đã kêu gọi hỗ trợ và hợp tác quốc tế để chế ngự dịch bệnh.