Nói tới cộng đồng người Việt ở Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây, ta thường nhắc tới các khu chợ bởi trong hơn 20 năm qua, cuộc sống của đại bộ phận bà con người Việt xa quê gắn liền với chợ.
Một siêu thị Lucky ở ngoại ô thành phố Krasnodar. |
Chợ là nguồn thu nhập, tạo công ăn việc làm cho gia đình đồng thời cũng là nơi lao động chính của bà con. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các chợ ở Nga ngày càng mai một. Nguyên nhân chính là do các tập đoàn bán lẻ lớn ngày càng tăng cường đầu tư vào Nga, mô hình đại siêu thị nảy nở, khiến cho cơ sở hạ tầng cũng như sức hút của chợ giảm sút. Thêm vào đó, kinh tế Nga không còn phát triển tốt như trước nên sức mua giảm, người dân có xu hướng mua sắm ở siêu thị, vì tại đó có thể cùng lúc đáp ứng cho họ tất cả các mặt hàng.
Con đường đi tìm "luồng gió mới" cho văn hóa chợ đưa chúng tôi tới miền nam xa xôi của nước Nga - tỉnh Krasnodar Krai, để thăm gia đình các anh Trần Quốc Ngợn (Lợi) - Trần Quốc Triệu. Hiện gia đình này đang sở hữu một chuỗi khoảng 180 cửa hàng bán lẻ trải khắp khu vực Krasnodar. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Quốc Triệu, Chủ tịch Hội người Việt ở Kuban, cho biết trước đây anh cũng từng mưu sinh ở chợ song sau khi sang Nga được một năm, anh đã ấp ủ ước mơ hình thành một chuỗi cửa hàng. Anh tâm sự: “Bà con mình toàn buôn bán ngoài chợ, trong khi nước Nga rộng lớn, kể cả gia đình có 10 người thì cũng không thể bao quát hết việc. Vậy nên tôi đã nảy ra ý tưởng hình thành một mạng lưới gồm tất cả những người thân quen, trao cho họ quản lý một cửa hàng, một khu rồi từng bước mở rộng và nâng cấp thành chuỗi cửa hàng”.
Từ một vài cửa hàng mang tên Imperia ở thành phố Krasnodar, ngày nay chuỗi cửa hàng nhà anh Triệu, với 670 nhân viên, đã lan sang các tỉnh lân cận. Cửa hàng xa nhất nằm ở Pyatchigorsk, cách thành phố Krasnodar 400 km. Chuỗi cửa hàng được quản lý bằng máy tính và ngồi một chỗ, các anh cũng có thể biết doanh thu từng cửa hàng trong ngày.
Đề cập tới những tiêu chí chính khi mở chuỗi cửa hàng bán lẻ, anh Triệu chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi khi mở chuỗi cửa hàng là phục vụ người Nga tận nơi, với giá phải chăng và chất lượng có thể chấp nhận" và cứ mỗi huyện với dân số 20.000 người, các anh lại đặt một cửa hàng “để phục vụ tại chỗ cho dân cư ở đó”.
Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi được “mục sở thị" bản đồ chuỗi cửa hàng bán lẻ của gia đình anh Triệu. Anh Tiến, một thành viên ban quản lý, cho biết các nút màu đỏ trên bản đồ dùng để chỉ những điểm dân cư có 5 cửa hàng, màu vàng là điểm có 4 cửa hàng, xanh 3, và trắng là nơi có 2 cửa hàng hoạt động.
Anh Triệu nhận định mô hình chuỗi cửa hàng của gia đình anh phù hợp với sự phát triển kinh tế của nước Nga, bởi hiện các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đang tăng cường đầu tư vào Nga và nếu người Việt không vươn lên, vẫn tiếp tục chỉ dựa vào chợ thì chỉ trong 5 - 10 năm nữa, người Việt có thể mất thị phần bán lẻ vốn có của mình vào tay các tập đoàn như Metro, Auchan hay không còn chỗ đứng trong thị trường bán lẻ với sức mua lớn của Nga.
Hướng tới qui mô lớn hơn và dịch vụ tiện lợi hơn, từ năm 2013, các anh còn khai trương thêm 6 cửa hàng "siêu thị" lớn mang nhãn hiệu "Lucky" với hy vọng các cửa hàng đó có thể cùng lúc phục vụ cho nhu cầu khác nhau của gia đình Nga, đồng thời đa dạng hóa mặt hàng để phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn. Trao đổi với người quản lý một siêu thị ở thị trấn ngoại ô Krasnodar, chị Marina Sergeyevna cho biết: “Hiện hàng hóa ở Nga rất phong phú vì có rất nhiều khu bán hàng lớn được khai trương, bởi vậy hiện khách hàng không chỉ còn quan tâm tới hàng hóa mà quan tâm tới cả chất lượng phục vụ".
Có thể kết luận thị trường bán lẻ ở Nga vẫn còn nhiều tiềm năng. Vấn đề với bà con người Việt buôn bán hàng ở chợ là phải có một tư duy mới, đường hướng kinh doanh mới để có thể vượt lên chính mình, vượt qua áp lực cạnh tranh của những đại công ty bán lẻ đang tích cực đầu tư vào Nga.
Duy Trinh - Cao Cường