Dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới ngành dầu mỏ theo nhiều giai đoạn kịch tính. Trước hết, dịch bệnh đã gây sụp đổ nguồn cầu, khi nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa, ô tô ngừng lưu thông do quy định giãn cách. Kế đến là tình trạng quá tải kho chứa, buộc giới giao dịch phải hướng sang các tàu chở dầu trên biển để trữ dầu với hy vọng giá sẽ hồi phục. Hiện tại, giá vận chuyển đã tăng đến mức thảm họa khi ngành dầu mỏ không còn tìm được tàu chở dầu còn trống - một dấu hiệu cho thấy thị trường đã bị biến dạng thái quá.
Viễn cảnh u ám về đóng cửa sản xuất và tác động của nó với việc làm, các công ty, ngân hàng và các nền kinh tế bản địa là một trong những lý do thúc đẩy lãnh đạo các nước trên thế giới đồng lòng cắt giảm sản lượng - một phương thức xưa cũ. Nhưng khủng hoảng đã vượt ngưỡng, cuốn bay nỗ lực điều phối này. Dầu đã có thời điểm rớt xuống mức giá âm hồi tuần trước và đóng cửa đã xảy ra trên thực tế. Đó là kịch bản tồi tệ nhất đối với các nhà sản xuất dầu và lọc dầu. “Chúng ta đang dần đi tới điểm kết thúc. Chỉ đến khoảng nửa đầu tháng Năm thôi, khủng hoảng sẽ đạt đỉnh. Chúng ta còn cách đó chỉ vài tuần, chứ không được vài tháng”, Torbjorn Tornqvist, Trưởng bộ phận giao dịch hàng hóa tại tập đoàn Gunvor Group chia sẻ.
Về lý thuyết, cắt giảm sản lượng dầu trước hết phải từ liên minh OPEC+ và nhóm này đã đạt đồng thuận về cắt giảm sản lượng từ ngày 1/5 tới. Thế nhưng sau cú rớt giá thảm hại hôm 20/4, khi giá dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) kỳ hạn tháng 5 có thời điểm được giao dịch ở mức giá âm 37,63 USD/thùng, chính ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ lại là người đi đầu trong cắt giảm sản lượng.
Để biết ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ khốn khó ra sao trong khủng hoảng, cách tốt nhất là căn cứ vào hoạt động của các giàn khoan. Hồi tuần trước, số lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các công ty dầu mỏ của Mỹ duy trì 650 giàn khoan. Nhưng đến ngày 24/4, số giàn khoan còn vận hành chỉ là 378, hơn 40% còn lại đã buộc phải ngưng hoạt động.
Trafigura, một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất của Mỹ từ vịnh Mexico cho rằng sản lượng khai thác tại Texas, New Mexico và North Dakota sẽ giảm nhanh hơn dự báo, khi các công ty buộc phải đối diện với tình cảnh giá dầu âm từng kéo dài nhiều ngày trong các phiên giao dịch hàng hóa tuần trước. Trước khi xảy ra vụ đổ vỡ về giá hôm 20/4, các nhà vận hành thị trường đều đồng thuận rằng mức sản lượng giảm 1,5 triệu thùng/ngày sẽ rơi vào tháng 12. Nhưng giờ thời hạn đó được rút ngắn xuống tháng Sáu. Theo chuyên gia phân tích về dầu Roger Diwan tại hãng tư vấn IHS Markit, mức độ nghiêm trọng về sức ép giá là nguyên nhân đưa đến việc giảm hoạt động tức thời và kế đến là đóng cửa.
Cú sốc giá dầu được thể hiện rõ nét nhất trên khu vực sản xuất: Các nhà sản xuất dầu thô như South Texas Sour và Eastern Kansas Common đã buộc phải trả mức giá 50 USD/thùng để giải phóng sản lượng đã khai thác. ConocoPhillips và hãng dầu đá phiến Continental Resources tuyên bố kế hoạch đóng cửa hoạt động. Còn các nhà làm luật tại Oklahama và Mexico đã bỏ phiếu thông qua quyết định cho phép các công ty khoan dầu được đóng giếng mà không phải bồi hoàn hợp đồng thuê mướn. Tại North Dakota, các công ty dầu đá phiến đã phải đóng hơn 6.000 giếng khoan, giảm sản lượng 405.000 thùng dầu/ngày, tương đương với 30% sản lượng khai thác của bang.
Cắt giảm không chỉ diễn ra ở Mỹ. Từ Cộng hòa Chad cho tới Việt Nam, Brazil, các nhà sản xuất đều buộc phải cắt giảm hoặc chuẩn bị kế hoạch cắt giảm sản lượng. Saudi Arabia, Nga và các thành viên trong OPEC+ sẽ cùng bắt tay thực hiện lộ trình này từ ngày 1/5, giảm 20% sản lượng, tương đương mức 9,7 triệu thùng/ngày. Saudi Aramco, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Saudi Arabia đã thực hiện trước. Các công ty dầu mỏ của Nga cũng tuyên bố xuất khẩu dầu Urals của nước này trong tháng Năm sẽ ở ngưỡng thấp nhất trong mười năm trở lại đây.
Thế nhưng chừng đó là chưa đủ. Mỗi tuần vẫn có đến 50 triệu thùng dầu cần được lưu kho – mức sản lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh cộng lại. Với mức sản lượng này, năng lực chứa dầu toàn cầu sẽ cạn kiệt vào tháng Sáu. Trước khi nổ ra khủng hoảng, thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng/ngày. Hiện mức cầu giảm xuống chỉ còn 65-70 triệu thùng/ngày. Trong kịch bản xấu nhất, cần phải đóng cửa 1/3 sản lượng khai thác toàn cầu.
Thực tế có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn, khi kho chứa vẫn còn gánh được mức chênh lệch cung-cầu, còn lượng tiêu thụ được cho là đã rớt xuống mức đáy và sẽ sớm hồi phục nhẹ. Nhưng trước khi đạt tới viễn cảnh đó, đóng cửa sẽ tiếp tục lây lan sang khu vưc lọc dầu.
Tuần trước, tập đoàn Marathon Petroleum, một trong những nhà lọc dầu lớn nhất của Mỹ, ra thông báo ngừng hoạt động tại một tổ hợp ở gần San Francisco. Royal Dutch Shell cũng đã đóng cửa một số trung tâm lọc dầu tại Mỹ nằm tại bang Alabama và Louisiana. Còn ở khắp châu Á, châu Âu, nhiều nhà máy lọc dầu hiện chỉ hoạt động cầm chừng, ở mức 50% công suất thiết kế. Sản lượng dầu tinh chế ở Mỹ giảm xuống mức 12,45 thùng/ngày trong tuần kết thúc hôm 17/4, mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, ngoại trừ các đợt đóng cửa do bão.
Giới tư vấn và thương nhân nhận định sẽ có thêm nhiều nhà máy lọc dầu phải đóng cửa, nhất là tại Mỹ, quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa muộn hơn so với châu Âu. Theo Steve Sawyer, Giám đốc bộ phận hóa dầu tại Công ty tư vấn Facts Global Energy, các nhà máy lọc dầu sẽ phải giảm công suất 25% trong tháng Năm.