Theo hãng tin Reuters, tại tòa, luật sư đại diện cho cựu Tổng thống đã tuyên bố thân chủ của mình không phạm tội. Về phần mình, cựu Tổng thống Trump cũng nhiều lần tuyên bố mình là nạn nhân của các cuộc điều tra mang động cơ chính trị và bác bỏ mọi cáo buộc.
Trước đó, cơ quan liên bang đã truy tố ông Trump 37 tội danh liên quan tới lưu giữ trái phép tài liệu mật và cản trở công lý.
Lời biện hộ của cựu Tổng thống Trump được đưa ra trước Thẩm phán Thẩm phán Jonathan Goodman dự báo tạo ra một cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài nhiều tháng cho đến khi nước Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.
Ông Trump được phép rời khỏi tòa án mà không cần điều kiện hoặc bị hạn chế đi lại. Tuy nhiên, thẩm phán Goodman ra phán quyết ông Trump không được phép liên lạc với các nhân chứng trong vụ án.
Các công tố viên liên bang có thể sẽ bắt đầu bàn giao bằng chứng cho đội ngũ luật sư của cựu Tổng thống Trump. Các bằng chứng này bao gồm thư từ trao đổi trong nhiều năm giữa các luật sư riêng của ông Trump, Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Mỹ và các công tố viên liên quan đến các tài liệu mật.
Có thể ở một số thời điểm trong tương lai, luật sư của cựu Tổng thống Trump sẽ nộp đơn yêu cầu bác bỏ vụ kiện vì nhiều lý do, bao gồm cả tuyên bố trước đó ông Trump khẳng định đã giải mật các tài liệu trước khi lấy chúng ra khỏi Nhà Trắng và mang về lưu trữ.
Nhóm luật sư bảo vệ ông Trump cũng có khả năng tranh luận rằng vụ án nên được hủy bỏ vì nhóm luật sư cáo buộc các công tố viên vi phạm đặc quyền pháp lý cho phép mọi người giữ kín thông tin liên lạc với luật sư của họ.
Mặc dù kiến nghị bác bỏ trong các vụ án hình sự là quy định tiêu chuẩn nhưng hiếm khi thành công vì các bị cáo phải nỗ lực rất nhiều để thuyết phục thẩm phán rằng vụ án quá thiếu sót.
Các chuyên gia pháp lý cũng dự đoán phiên tòa xét xử đối với vụ án của ông Trump có thể diễn ra trong nhiều tháng.
Thông thường, theo đạo luật xét xử nhanh năm 1974 của luật pháp Mỹ, để giải quyết nhanh chóng một vụ án hình sự, bị cáo sẽ phải đưa ra xét xử trong vòng 100 ngày kể từ ngày có lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, điều này hiếm được áp dụng khi xảy ra trong các vụ án phức tạp. Các bên có thể sẽ đồng ý gia hạn thời gian để nghiên cứu bằng chứng và tranh luận về các tranh chấp pháp lý.
Nếu ông Trump bị kết án, điều này không ngăn cản được ông vận động tranh cử hoặc nhậm chức. Những rắc rối pháp lý hiện tại không ảnh hưởng đến vị thế của ông với các cử tri đảng Cộng hòa.
Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được công bố ngày 12/6 cho thấy ông Trump vẫn dẫn trước các đối thủ để trở thành đại diện tranh cử của đảng Cộng hòa với tỷ số cách biệt lớn. 81% cử tri đảng Cộng hòa coi các cáo buộc có động cơ chính trị.
Đội ngũ của Trump có thể sử dụng các vụ kiện pháp lý và các cuộc điều tra mà ông phải đối mặt làm công cụ gây quỹ, nói với những người ủng hộ rằng ông đang bị tấn công và cần họ giúp đỡ.
Nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, quá trình truy tố sẽ gặp cản trở. Bộ Tư pháp Mỹ là một phần trong hệ thống hành pháp và tổng thống là một trong những quan chức thực thi pháp luật liên bang hàng đầu trong nước.
Bộ Tư pháp có một chính sách đã tồn tại hàng thập kỷ rằng một tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố. Tuy nhiên, bộ này vẫn có thể có ngoại lệ đối với “những trường hợp đặc biệt” nếu có sự chấp thuận của bộ trưởng tư pháp.