Ngoại trưởng Canada, bà Melanie Joly cho biết đây là sự định hướng lại chính sách đối ngoại của Canada và nhấn mạnh "tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tương lai của Canada". Chiến lược này liên quan đến mọi khía cạnh của xã hội Canada và "gửi đi một thông điệp rõ ràng tới khu vực rằng Canada đang ở đây và họ có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ ở lại đây”.
Các thông báo mới bao gồm gần nửa tỷ CAD để triển khai tàu khu trục thứ ba đến khu vực; tăng cường hợp tác về an ninh mạng và huấn luyện quân sự với các quốc gia có cùng chí hướng. Bộ trưởng Quốc phòng Canada, bà Anita Anand cho biết chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xác định "Canada là nước đi đầu trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời duy trì vai trò là một đối tác đáng tin cậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bao trùm”.
Ottawa cũng sẽ cử 200 chuyên gia để tư vấn cho các quốc gia muốn hợp tác với Canada trong mọi lĩnh vực, từ hành chính quản trị đến quản lý đại dương và chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Bà Mary Ng, Bộ trưởng phụ trách Thương mại Quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển kinh tế của Canada nói với báo giới: “Để đảm bảo tương lai kinh tế, chúng ta cần có các đối tác và các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ trên khắp thế giới, nhằm bảo vệ việc làm và doanh nghiệp trong nước'". Bà Mary Ng hy vọng chính phủ sẽ nhanh chóng triển khai các khoản tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường mới trong khu vực và sớm có dịch vụ hỗ trợ hợp tác với khu vực tư nhân để phát hiện các cơ hội cho doanh nghiệp Canada.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Ottawa, bà Sophia Leong - thành viên ban cố vấn Canada - ASEAN Initiatives (Sáng kiến Canada - ASEAN) thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Đại học York, chia sẻ: "5 mục tiêu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada (về hòa bình, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, quyền con người và phụ nữ, biến đổi khí hậu và tăng cường sự hiện diện của Canada trên toàn cầu) là điểm khởi đầu tốt đối với một chiến lược. Đó là những chi tiết mô tả rõ ràng những ưu tiên của Canada. Chiến lược khẩn trương tập trung vào các lĩnh vực có lợi cho sự thịnh vượng kinh tế của Canada, đồng thời phù hợp với các ưu tiên hay nhu cầu của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bà Sophia Leong nhấn mạnh có nhiều cách để cụ thể hóa hợp tác giữa Canada và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một cách tiếp cận nhất quán trong việc thúc đẩy hợp tác là rất cần thiết để Canada hưởng lợi từ làn gió kinh tế và xã hội của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo bà Julie Nguyễn, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam, Việt Nam và Canada tuy xa cách về mặt địa lý nhưng có nhiều điểm chung, cùng chung mục đích vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam tin tưởng rằng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada sẽ tạo điều kiện để khai thác, phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của hai nước, đáp ứng nhu cầu cấp bách, phục hồi sau đại dịch, cũng như phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, và chăm lo người nghèo và các nhóm bị thiệt thòi trong xã hội. Bà Julie Nguyễn nói: "Chúng tôi kỳ vọng rằng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, trong đó triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kêu gọi các doanh nghiệp Canada đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi mong rằng hai bên sẽ tiếp tục mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa, đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo và Canada sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".
Ông Goldy Hyder, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Canada, cho rằng kế hoạch chi tiết này rất hữu ích, không chỉ làm rõ lợi ích của Canada, mà còn mang lại sự chắc chắn rất cần thiết cho các doanh nghiệp Canada hoạt động và đầu tư ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng chiến lược này thiếu kế hoạch xúc tiến các dự án xuất khẩu năng lượng dọc bờ biển Thái Bình Dương, cũng như cam kết mở rộng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang các quốc gia đã công khai đề nghị Ottawa.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Ottawa xác định là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng và an ninh của Canada. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ, với kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều hàng năm đạt khoảng 226 tỷ CAD. Đáng lưu ý là gần 1/5 người dân Canada có mối quan hệ gia đình với người dân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của 60% sinh viên quốc tế của Canada.