Chuyên gia cảnh báo việc Nga trông cậy vào xét nghiệm kháng thể COVID-19

Ở Nga, người ta thường làm xét nghiệm kháng thể vì phương pháp này rẻ, phổ biến. Nhưng các chuyên gia phương Tây cho rằng, việc sử dụng kết quả xét nghiệm kháng thể dường như là một yếu tố khiến tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Nga.

Chú thích ảnh
Nhân viên chuẩn bị ống nghiệm tại LabQuest, một phòng khám thực hiện xét nghiệm kháng thể ở Moskva, Nga. 

Khi người Nga nói về COVID-19 trong bữa ăn tối hoặc trong tiệm làm tóc, cuộc trò chuyện thường chuyển sang chủ đề “antitela”, từ tiếng Nga chỉ các kháng thể, hay các protein được cơ thể sản xuất để chống lại virus.

Ngay cả Tổng thống Vladimir Putin cũng đề cập đến kháng thể trong cuộc trò chuyện diễn ra tuần này với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nhà lãnh đạo Nga tự hào chia sẻ lý do tại sao ông tránh được nhiễm COVID-19 mặc dù hàng chục người xung quanh ông đã nhiễm, trong đó có người đã tiếp xúc gần suốt ngày với ông chủ Điện Kremlin.

"Tôi có mật độ cao", ông Putin nói, đề cập chỉ số mô tả nồng độ của kháng thể trong máu. Khi ông Erdogan cho rằng con số mà người đồng cấp Nga đưa ra là thấp,  Tổng thống Putin khẳng định: “Không, đó là một mức cao. Có nhiều phương pháp tính khác nhau”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga, Putin tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tayyip Erdogan ngày 29/9 tại Sochi. Ảnh: AP

Không tin cậy trong chẩn đoán COVID-19

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phương Tây cho rằng, xét nghiệm kháng thể vốn rất phổ biến ở Nga không đáng tin cậy trong chẩn đoán COVID-19 hoặc đánh giá khả năng miễn dịch đối với căn bệnh này. Theo họ, các kháng thể mà các xét nghiệm này chỉ ra chỉ có thể là bằng chứng về một lần nhiễm virus trong quá khứ và vẫn chưa rõ mức độ kháng thể cho thấy khả năng bảo vệ khỏi virus và trong thời gian bao lâu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết không nên sử dụng các xét nghiệm như vậy để xác định tình trạng nhiễm COVID-19 đang diễn ra vì có thể mất 1-3 tuần để cơ thể tạo ra kháng thể. Các chuyên gia y tế cho rằng, các xét nghiệm tìm kiếm vật chất di truyền của virus - được gọi là xét nghiệm PCR, hoặc xét nghiệm tìm kiếm protein của virus - được gọi là xét nghiệm kháng nguyên, nên được sử dụng để xác định xem một người có bị nhiễm virus COVID-19 hay không.

Ở Nga, người ta thường làm xét nghiệm kháng thể và chia sẻ kết quả. Các xét nghiệm này rẻ, phổ biến rộng rãi và được các phòng khám tư nhân quảng bá tích cực trên toàn quốc. Các chuyên gia phương Tây cho rằng, việc sử dụng cách xét nghiệm này dường như là một yếu tố dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Nga ngay cả khi số ca tử vong và lây nhiễm hàng ngày đang gia tăng trở lại.

Ở Moskva và khu vực lân cận, hàng triệu ca xét nghiệm kháng thể đã được thực hiện tại các phòng khám do nhà nước cung cấp miễn phí. Trên khắp đất nước, hàng chục chuỗi phòng thí nghiệm và phòng khám tư nhân cũng cung cấp nhiều loại xét nghiệm kháng thể COVID-19, cũng như các xét nghiệm cho các tình trạng y tế khác.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi vaccine Sputnik V tại trung tâm tiêm chủng ở Moskva. Ảnh: AP 

Các xét nghiệm kháng thể với COVID-19 lần đầu tiên được công bố rộng rãi ở Moskva vào tháng 5 năm 2020, ngay sau khi Nga dỡ bỏ lệnh đóng cửa toàn quốc duy nhất cho đến nay, mặc dù nhiều hạn chế vẫn được áp dụng. Thị trưởng Sergei Sobyanin đã công bố một chương trình đầy tham vọng nhằm xét nghiệm kháng thể cho hàng chục nghìn cư dân.

Nhiều người dân thủ đô Nga đã nhiệt tình chào đón chương trình này. Trái ngược với các chuyên gia phương Tây, một số người tin rằng các kháng thể cho thấy khả năng miễn dịch khỏi virus và họ coi kết quả xét nghiệm dương tính là một cách để thoát khỏi các hạn chế.

Phương pháp xét nghiệm trên sẽ xem xét hai loại kháng thể khác nhau: loại xuất hiện trong hệ miễn dịch của một người ngay sau khi nhiễm virus và loại còn lại mất vài tuần để phát triển. Một số người có kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính trước đây, nay được chẩn đoán mắc COVID-19 và phải cách ly.

Người dân không tiêm chủng vì biết mình có kháng thể

Mùa hè năm nay, người Nga còn quan tâm nhiều hơn đến việc xét nghiệm kháng thể khi đất nước đối mặt một làn sóng lây nhiễm mạnh mẽ. Nhu cầu xét nghiệm tăng đột biến đến mức các phòng thí nghiệm bị quá tải và một số hết nguồn cung cấp.

Nhu cầu xét nghiệm kháng thể tăng cao là do hàng chục khu vực ở Nga bắt buộc phải tiêm phòng cho một số nhóm người nhất định và hạn chế tiếp cận các không gian công cộng, chỉ cho phép những người đã tiêm phòng, đã nhiễm virus (qua xét nghiệm kháng thể) hoặc có xét nghiệm âm tính với virus trong thời gian gần.

Chú thích ảnh
Khách hàng tới một phòng khám thực hiện xét nghiệm kháng thể ở Moskva, ngày 13/8/2021. Ảnh: AP

Daria Goryakina, Phó giám đốc của Dịch vụ Phòng thí nghiệm Helix - một chuỗi các cơ sở xét nghiệm lớn, cho biết bà tin rằng sự quan tâm ngày càng tăng đối với xét nghiệm kháng thể có liên quan đến nhiệm vụ tiêm chủng.

Trong nửa cuối tháng 6, Helix thực hiện các xét nghiệm kháng thể nhiều hơn 230% so với nửa đầu năm và nhu cầu cao tiếp tục vào tuần đầu tiên của tháng 7. “Mọi người muốn kiểm tra mức độ kháng thể của họ để xem liệu họ có cần phải tiêm phòng hay không”, bà Goryakina nói với hãng tin AP.

Có kháng thể vẫn cần tiêm vaccine

Cả Tổ chức Y tế Thế giới và CDC đều khuyến cáo nên tiêm phòng bất kể người đã đã nhiễm COVID-19 trước đó.

Hiện nay, hướng dẫn ở Nga đã thay đổi. Ban đầu các nhà chức trách nói rằng những người xét nghiệm dương tính với kháng thể không đủ điều kiện để tiêm, nhưng sau đó họ kêu gọi mọi người đi tiêm phòng bất kể nồng độ kháng thể của họ là bao nhiêu. Tuy nhiên, một số người Nga tin rằng xét nghiệm kháng thể dương tính là lý do để họ không cần tiêm chủng.

Các quan chức cấp cao, như Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov và Valentina Matviyenko, Chủ tịch Thượng viện, cả hai đều được trích dẫn nói rằng họ không cần tiêm chủng do có lượng kháng thể cao, nhưng cuối cùng họ đã quyết định tiêm. 

Tiến sĩ Anastasia Vasilyeva, lãnh đạo Liên minh Các bác sĩ, cho biết các hướng dẫn mâu thuẫn có thể đã góp phần khiến tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở Nga. Bà nói: “Mọi người không hiểu phải làm gì vì họ liên tục được cung cấp các phiên bản hướng dẫn khác nhau”.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine Sputnik V cho người dân tại Moskva. Ảnh: AP 

Mặc dù Nga tự hào về việc phát triển thành công vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới, Sputnik V, đến nay chỉ 32,5% trong số 146 triệu người dân nước này đã tiêm ít nhất một mũi và 28% được tiêm đầy đủ. Các nhà phê bình chủ yếu đổ lỗi cho việc triển khai vaccine sai lầm và các thông điệp lộn xộn mà các nhà chức trách đưa ra.

Tiến sĩ Simon Clarke, Phó giáo sư về vi sinh tế bào tại Đại học Reading ở Anh, cho biết các xét nghiệm kháng thể không ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định nào liên quan đến sức khỏe. Ông nói thêm: Việc làm xét nghiệm kháng thể “là để thỏa mãn sự tò mò của cá nhân bạn”.

Barchuk, nhà dịch tễ học ở St. Petersburg, thì nhắc lại quan điểm của mình, nói rằng có quá nhiều lỗ hổng trong việc hiểu cách hoạt động của các kháng thể và phương pháp xét nghiệm này cung cấp rất ít thông tin, ngoài việc nói lên người đó đã nhiễm virus trước đó.

Nhưng một số khu vực của Nga đã bỏ qua lời khuyên đó, tiếp tục sử dụng kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính để cho phép mọi người vào nhà hàng, quán bar và các địa điểm công cộng khác, giống như giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm COVID-19 âm tính. 
 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Cảnh báo Singapore có thể chạm mốc 10.000 ca COVID-19 mỗi ngày
Cảnh báo Singapore có thể chạm mốc 10.000 ca COVID-19 mỗi ngày

Nếu tốc độ lây nhiễm hiện nay còn tiếp diễn, một chuyên gia lập mô hình bệnh lây nhiễm hàng đầu Singapore cảnh báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày có thể chạm mốc 10.000 người trong hai tuần tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN