Theo báo Izvestia (Nga) ngày 23/5, Trung Quốc đã đề xuất mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm cách nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Bắc Kinh không cho biết chính xác nước nào sẽ trở thành thành viên mới của nhóm, nhưng hiện có một ứng cử viên tiềm năng: Argentina.
Điều này bắt nguồn từ việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đang là Chủ tịch luân phiên của BRICS, đã gửi lời mời cá nhân tới Argentina mời tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng BRICS (diễn ra vào ngày 19/5) và tham dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của khối vào ngày 24/6 tới.
Tại Buenos Aires, Argentina ngay lập tức bắt đầu nói về việc nước này sắp gia nhập BRICS. Đại sứ Argentina tại Trung Quốc Sabino Vaca Narvaya tuần trước cho rằng lời mời là một bước tiến tới việc Argentina "gia nhập chính thức" vào BRICS. Nhà ngoại giao Argentina trên cũng nhắc lại rằng năm nay Buenos Aires và Bắc Kinh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngoài ra, hiện nay Chính phủ Argentina đang là chủ tịch luân phiên của Cộng đồng các quốc gia châu Mỹ Latinh và Caribe, điều này giúp Buenos Aires tăng vai trò trên trường quốc tế. Vì vậy, theo logic, không có thời điểm nào tốt hơn để Argentina gia nhập BRICS.
Bên cạnh đó, hồi đầu năm 2022, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã có chuyến thăm tới Nga và Trung Quốc, thể hiện sự ủng hộ của ông đối với cả hai nước, bất chấp những lo ngại của phe đối lập Argentina rằng điều này sẽ gây nguy hiểm cho quan hệ giữa Buenos Aires và Washington.
“Tôi ủng hộ việc thoát phụ thuộc vào IMF và Mỹ và chúng ta nên mở ra những cơ hội mới, bao gồm cả hợp tác với Nga”, ông Fernandez nói vào đầu tháng 2/2022, khi ở Moskva. Nhà lãnh đạo Argentina cũng đã ký một thỏa thuận về việc nước này tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, đề cập đến mong muốn gia nhập BRICS từ lâu của Argentina.
Ở nhiều khía cạnh, Argentina mong muốn trở thành thành viên của BRICS một phần là vì muốn tìm kiếm các nguồn tài chính thay thế cho IMF, trong bối cảnh Argentina vay nợ hơn 44 tỷ USD. Argentina muốn tiếp cận với nguồn tiền của Ngân hàng Phát triển Mới, một trong những tổ chức tài chính của BRICS. Về mặt chính trị, Argentina cũng sẽ được hưởng lợi từ điều này, vì tư cách thành viên của khối sẽ giúp cân bằng với Brazil - một quốc gia khác đang nổi lên là nhà lãnh đạo ở Nam Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc không công khai ủng hộ Argentina gia nhập BRICS, nhưng những tín hiệu tích cực từ Bắc Kinh đã xuất hiện. “Phía Trung Quốc đề xuất bắt đầu quá trình mở rộng BRICS, xem xét các tiêu chuẩn và thủ tục của quá trình mở rộng, và dần dần hình thành sự đồng thuận”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết trong cuộc họp trực tuyến với các đồng nghiệp BRICS vào ngày 19/5.
Ngoài Trung Quốc, Brazil cũng có quan điểm tích cực về việc kết nạp Argentina vào BRICS. Tháng 4 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này, ông Paulo Guedes, nói rằng Brazil sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc Argentina gia nhập Ngân hàng Phát triển Mới. Một nhóm cố vấn của cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva, người sẽ tái tranh cử tổng thống vào tháng 10/2022, cũng lên tiếng ủng hộ tư cách thành viên của Buenos Aires.
Năm 2014, Ấn Độ cũng có một số tuyên bố ủng hộ Argentina gia nhập BRICS. Cùng năm đó, Nga đã đưa ra lời mời Argentina tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil. Kể từ đó, khối này đã thảo luận trong một thời gian dài về nhu cầu mở rộng với các thành viên mới, gọi các định dạng như vậy là BRICS+ hoặc BRICS mở rộng. Các nước thành viên hiện tại cũng đã chủ động mời các nhà lãnh đạo của một nước đang phát triển khác tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Nhưng tư cách thành viên đầy đủ của những nước được mời không được đề cập cụ thể.
“Hiện tại, không có câu hỏi nào về việc kết nạp Argentina và không có quá trình nào đang được tiến hành”, một nguồn tin từ Nga phụ trách về các vấn đề trong BRICS nói với Izvestia.
Victoria Panova, Giám đốc điều hành Ủy ban Nghiên cứu BRICS, cũng nhận định không có điều kiện tiên quyết nào để mở rộng BRICS thực sự.
"Trung Quốc thực sự đã xúc tiến việc thành lập Câu lạc bộ Những người bạn của BRICS trong vài năm. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ về vấn đề mở rộng. Điều quan trọng đối với BRICS là thúc đẩy các giải pháp cụ thể và đạt được kết quả cụ thể, và điều này quan trọng hơn việc mở rộng. Do đó, Argentina đóng vai trò là một đối tác quan trọng, nhưng vấn đề mở rộng hiện nay không nằm trong chương trình nghị sự”, vị chuyên gia trên lưu ý.
Theo Sanushi Naidoo, chuyên gia về chính trị quốc tế tại Viện Đối thoại Toàn cầu ở Cape Town, Nam Phi, nhìn chung, Nam Phi không phản đối mở rộng BRICS, nhưng có vấn đề đặt ra.
“Từ quan điểm kinh tế, điều này sẽ mang tới cho Nam Phi cơ hội để tăng cường thương mại và các chuỗi cung ứng hậu cần khác, cũng như khả năng tiếp cận vận chuyển hàng hóa và dịch vụ đến khu vực, một cách để vượt qua những hạn chế hiện tại đối với thương mại hàng hải do các biện pháp trừng phạt. Tất nhiên, đây cũng là một cân nhắc quan trọng đối với các nước BRICS khác", chuyên gia Naidoo cho biết.
Theo Sanushi Naidoo, từ quan điểm địa chính trị, việc kết nạp Argentina sẽ làm tăng ảnh hưởng về thể chế chính trị và kinh tế của toàn bộ BRICS, nhưng với Nam Phi, đây có thể sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh để giành vị trí trong BRICS. Tương tự, Brazil cũng đang xem xét hậu quả nếu Argentina trở thành thành viên của BRICS.
Về phần mình, Niall Duggan, một chuyên gia tại Khoa Chính trị và Hành chính Công tại Đại học Cork (Ireland) nhận xét: "Ý tưởng của việc Trung Quốc tăng số lượng thành viên BRICS là để giảm bớt ảnh hưởng chung của các thành viên khác, đặc biệt là Nga và Ấn Độ. Kể từ tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã có xu hướng rời xa một số đối tác BRICS và 'lấp đầy' bằng các đối tác khác. Argentina rất phù hợp với vai trò này do họ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt về thương mại, an ninh và chính trị. Vì vậy, Argentina sẽ là một đối tác đáng tin cậy của Bắc Kinh trong khối. Chính điều này có thể khiến các thành viên khác của BRICS không muốn Argentina gia nhập".