Chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam nhanh chóng hành động trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị trong công tác khống chế dịch.
Giáo sư Awang cho rằng cách tiếp cận của một quốc gia đối với dịch bệnh và nguồn lực của quốc gia đó sẽ quyết định tỷ lệ thành công trong cuộc chiến chống COVID-19. Mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có nguồn lực và cách tiếp cận khác nhau. Việt Nam đã ngăn chặn dịch bệnh thông qua các cách tiếp cận truyền thống gồm truy vết, xét nghiệm và cách ly, trong khi Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc) đã áp dụng nghiêm ngặt công nghệ truy vết. Australia, New Zealand và Brunei đã tiến hành ngăn chặn virus bằng cách đóng cửa biên giới và thực hiện nghiêm chế độ kiểm dịch. Trong khi đó, Mỹ, Anh mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định, do đó virus nhanh chóng lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Subramaniam Muniandy - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia, các quốc gia phản ứng nhanh hơn với đại dịch là những nước thành công trong việc ngăn chặn COVID-19 lây lan.
Số liệu từ trường Đại học Johns Hopkins có trụ sở tại Mỹ cho thấy Malaysia hiện ở vị trị 29 trong danh sách các nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong 2 tuần tính đến ngày 25/1. Trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Malaysia ở vị trí thứ 2 sau Indonesia, với 48.625 ca nhiễm và số ca nhiễm hằng ngày đã tăng lên 4 con số trong 2 tuần qua. Theo số liệu từ Hệ thống nghiên cứu phức hợp New England (NECSI), có 83 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Malaysia, đang đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm theo cấp số nhân, đòi hỏi phải có biện pháp quyết liệt để phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Các chuyên gia y tế nhận định nguyên nhân có thể là do biến thể mới của virus SARS-CoV-2, song các yếu tố khác như mức độ hạn chế và sự tuân thủ của cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống dịch.