Phát biểu tại một cuộc họp ở Hạ viện, ông Omi - người đang giữ chức Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó dịch COVID-19 - cho rằng chính phủ cần thảo luận liệu có nên ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hay không, và nếu có, cần phải thực hiện các biện pháp gì.
Ông Omi đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản liên tục tăng lên những mốc cao mới, bất chấp việc chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh, thành, trong đó có thành phố lớn nhất nước này là Tokyo và Osaka. Ngày 4/8, Nhật Bản ghi nhận 14.207 ca mắc mới - mức cao nhất từ khi dịch bùng phát và nhiều hơn 1.867 ca so với mức cao nhất trước đó được ghi nhận ngày 31/7. Đáng chú ý, có tới 14 trong tổng số 47 tỉnh, thành có số ca mắc mới tăng cao kỷ lục, trong đó riêng thủ đô Tokyo có 4.166 ca.
Theo ông Omi, biến thể Delta là tác nhân làm gia tăng số ca mắc mới ở nước này. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết trong tuần từ ngày 27/7 đến 2/8, có 418 người ở nước này nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, tăng 201 người so với một tuần trước đó, nâng tổng số trường hợp nhiễm biến thể nguy hiểm này ở Nhật Bản lên 1.201 ca. Cho đến nay, biến thể Delta đã có mặt ở 37 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, trong đó hai tỉnh Chiba và Kanagawa có số người nhiễm biến thể Delta cao nhất.
Theo hãng tin Jiji Press, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm từ ngày 8/8 và biện pháp này sẽ kéo dài tới ngày 31/8. Các tỉnh nằm trong danh sách bổ sung đợt này gồm: Fukushima ở phía Đông Bắc, Ibaraki, Tochigi và Gunma ở phía Đông, Shizuoka và Aichi ở miền Trung, Shiga ở phía Tây và Kumamoto ở phía Tây Nam. Trước đó, có 5 tỉnh đã nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm gồm Hokkaido ở phía Bắc, Ishikawa ở miền Trung, Kyoto và Hyogo ở phía Tây, và Fukuoka ở phía Tây Nam.