Trả lời phóng viên TTXVN tại Seoul, Tiến sĩ Lee Jaehyon nhận định sẽ tốt hơn cho Hàn Quốc khi thỏa thuận này được ký kết sớm. Đối với Hàn Quốc, RCEP được coi là một trong những thành tựu của Chính sách hướng Nam mới vì nó có thể xóa bỏ rào cản thương mại giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cản trở đi lại và giao thương dẫn tới xu hướng bảo hộ của các quốc gia, RCEP rất hữu ích trong việc chống lại các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch này .
Về phía Chính phủ, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã tuyên bố nước này sẽ nỗ lực để thỏa thuận trên được ký kết trong năm nay. Theo bộ trên, RCEP sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục các hoạt động thương mại và đầu tư của các nước thành viên vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Thỏa thuận này cũng sẽ giúp các thành viên chống lại những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu thời kỳ hậu đại dịch. Nếu được ký kết, thỏa thuận sẽ hình thành một khối kinh tế lớn chiếm 1/3 GDP thế giới.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết việc ký kết RCEP dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/11 tới với sự tham gia của các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN và các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thảo luận về chiến lược thực hiện Chính sách hướng Nam mới của nước này tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc, nhấn mạnh nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3. Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, Tổng thống Hàn Quốc sẽ đề cập tới nỗ lực của Seoul nhằm phi hạt nhân hóa, thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.