Các binh sỹ Philippines gác ở ngoại ô Marawi thuộc đảo Mindanao, miền nam Philippines ngày 28/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sự gia tăng của IS và tác động phát sinh từ các chiến binh châu Á tham gia vào cuộc chiến đã trở thành thách thức an ninh quan trọng nhất mà các chính phủ khu vực ở Đông Nam Á đang phải đối mặt.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tiến sĩ Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) có trụ sở tại Jakarta, cho rằng nạn khủng bố đã trở thành vấn đề mang tầm khu vực ở Đông Nam Á và vụ tấn công ở Philippines vừa qua cho thấy có sự tham gia của nhiều đối tượng đến từ Indonesia và Malaysia. Theo Tiến sĩ Arisman, đây là một vấn đề lớn đòi hỏi các quốc gia ASEAN cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau để đấu tranh, ngăn chặn khủng bố lan rộng trong khu vực. Ông cảnh báo vụ tấn công của các tay súng tuyên bố trung thành với IS tại thành phố Marawi, trên đảo Mindanao của Philippines có thể coi là hồi chuông cảnh báo đối với sự ổn định của khu vực bởi vì sau Philippines, mục tiêu tiếp theo có thể là Indonesia, Malaysia và các quốc gia khác trong khu vực.
Với tính chất liên quốc gia, liên khu vực, khủng bố trở thành thách thức chung cho cả khu vực Đông Nam Á. Các vụ đánh bom ở Jakarta và cuộc chiến ở đảo Mindanao của Philippines cảnh báo rằng IS đã nhắm đến việc tạo dựng các cơ sở mới và cài cắm các phần tử cực đoan trong khu vực.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến chống khủng bố ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi đây không phải là cuộc chiến giữa các đội quân rõ ràng, mà các mục tiêu luôn bất thường, khó lường, khó dự đoán, nắm bắt...
Hồi năm ngoái, các chuyên gia an ninh trong khu vực đã cảnh báo về nguy cơ IS tràn sang Đông Nam Á. Hiện nay, trong bối cảnh IS thất thủ ở Iraq, việc tổ chức này tìm kiếm và xây dựng những căn cứ thành trì mới là điều tất yếu. Trong khi đó, Đông Nam Á là khu vực có nhiều yếu tố thuận để tổ chức khủng bố này nhắm tới từ lâu. Đây được cho là mối lo ngại về an ninh và đòi hỏi các nước Đông Nam Á cần có những đối sách phù hợp để đối phó.