Trước sự xuất hiện của biến chủng mới, các chuyên gia y tế công cộng tại Mỹ đã khuyến nghị người dân nước này nâng cấp khẩu trang, hạn chế sử dụng các mẫu khẩu trang, đồ che mặt bằng vải đơn giản từng được sử dụng phổ biến trong đại dịch vừa qua.
Một trong những những thay đổi đơn giản nhất mà người dân có thể làm là phủ thêm một lớp khẩu trang mới, hoặc tốt hơn là một khẩu trang y tế bên trong kèm một khẩu trang sợi hoạt tính bên ngoài. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng, đã đến lúc cung ứng khẩu trang chất lượng cao nhất như KN95 hoặc N95 ra thị trường. Đây cũng là hai mẫu khẩu trang giới chức y tế Mỹ muốn lâu nay muốn giữ lại làm nguồn cung ứng dự trữ cho bác sĩ, nhân viên trên tuyến đầu chiến dịch, khiến người Mỹ không muốn đổ xô đi mua.
Trong phản ứng chống dịch, Mỹ đi sau nhiều nước trên thế giới về khẩu trang phòng bệnh. Một số nước châu Á như Singapore hay Hàn Quốc đã cấp khẩu trang sản xuất hàng loạt, chất lượng cao trực tiếp cho dân chúng. Vài tuần gần đây, các nước châu Âu cũng đã bắt đầu áp dụng quy định đeo khẩu trang y tế bắt buộc tại các địa điểm công cộng, sau khi biến chủng virus mới có nguồn gốc từ Anh phát tán, lây lan rộng.
Theo Tom Frieden, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, sự xuất hiện của biến chủng mới với khả năng lây lan mạnh đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn về nâng cấp biện pháp phòng ngừa, mà một việc làm cụ thể là yêu cầu người dân đeo khẩu trang với chất lượng cao hơn.
Tiến sĩ Anthony S. Fauci, người đứng đầu Nhóm đặc trách chống COVID-19 tại Nhà Trắng, đánh giá cao việc đeo khẩu trang hai lớp, bởi theo ông chỉ nhìn qua cũng có thể nhận ra hiệu quả vượt trội của việc làm này.
Giới chức y tế công kêu gọi người dân có những thói quen mới về khẩu trang. Nhưng chính phủ chưa thừa nhận điều này. CDC chưa cập nhật, bổ sung hướng dẫn khuyến khích người Mỹ chọn khẩu trang phù hợp, dùng loại hai hay nhiều lớp, có thể tái sử dụng, hoặc loại sợi hoạt tính lưu thông không khí tốt.
Tân Tổng thống Joe Biden nhìn nhận đeo khẩu trang như là một chiến lược then chốt để chấm dứt đại dịch. Ông đã đặt ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay, sân bay và các tòa nhà liên bang. Nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa kêu gọi áp dụng quy định khẩu trang phải là loại khẩu trang y tế, hoặc loại sản xuất hàng loạt chất lượng cao.
Nhiều chuyên gia y tế công nhìn nhận, nhẽ ra chính phủ liên bang phải sớm ưu tiên cấp chứng nhận hoặc sản xuất khẩu trang chất lượng tốt từ sớm, giúp người dân không gặp trở ngại trong việc phân biệt, đánh giá hàng giả-hàng thật hay tự nâng cấp khẩu trang.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 3/2020 từng hợp tác với nhiều nhà sản xuất đồ lót, bảo đảm cung ứng mỗi hộ gia đình 5 khẩu trang. Nhưng kế hoạch này phá sản, do những quan ngại về hậu cần cùng một số vấn đề nảy sinh khác, ví như phàn nàn cho rằng khẩu trang trông giống quần lót.
Khẩu trang là công cụ phòng dịch đơn giản nhất, nhưng cũng là vấn đề gây tranh cãi chính trị lớn nhất tại Mỹ. Nhiều quan chức liên bang, trong đó có ông Fauci, từng bị chỉ trích mạnh sau khi khuyến nghị người dân chỉ cần che mặt. Họ đưa ra khuyến cáo này sau khi xuất hiện những đề xuất đầu tiên về đeo khẩu trang khi Mỹ bị COVID-19 tấn công trong những tuần đầu tiên.
Nhiều chuyên gia bình luận, thay đổi hướng dẫn này của giới chức liên bang là phù hợp, trong bối cảnh khẩu trang, thiết bị bảo hộ cho bác sĩ, nhân viên y tế thiếu hụt lớn. Nhưng chính những nhùng nhằng đầu tiên này đã tạo ra luồng dư luận trái chiều về hiệu quả của đeo khẩu trang.
“Thật không thể hiểu những phát biểu của những người như ông Fauci. Ông ấy nói không đeo khẩu trang, rồi đeo một khẩu trang, rồi giờ lại nói cần đeo hai khẩu trang. Vậy người dân làm sao có được thông tin minh bạch và chính xác đây”, vận động viên bóng chày Jordan Schafer nói.