Theo Business Insider ngày 17/8, hiện tại, giá trị bất động sản thương mại đang chịu áp lực, trong khi thị trường chứng khoán có thể suy giảm nhanh chóng nếu điều kiện trở nên tồi tệ hơn. Hiện nay, thị trường chứng khoán có thể đang được đánh giá quá cao. Công ty Wermuth Asset Management cho rằng việc các tài sản này giảm giá sẽ dẫn đến giảm phát.
Cụ thể, trong một lưu ý đưa ra ngày 16/8, nhà kinh tế học Dieter Wermuth nhận định: “Suy đoán về giảm phát một lần nữa vào thời điểm này thoạt nhìn có vẻ hơi sớm, nhưng không phải là quá sớm. Vì một số lý do, nguy cơ giảm mức giá tiêu dùng đã tăng lên”. Ông Wermuth cũng chỉ ra nhiều áp lực khác có thể làm giảm lạm phát trong nền kinh tế Mỹ.
Nhận định trên trái ngược với quan điểm của các nhà kinh tế khác khi nhiều người cảnh báo rằng lạm phát ở Mỹ là một vấn đề dai dẳng và sẽ tiếp tục kéo dài. Giá cả đã tăng 3,3% trong tháng 7 so với năm trước, cao hơn một chút so với mức tăng giá 3% trong tháng 6.
Tuy nhiên, ông Wermuth cảnh báo giảm phát có thể sớm xảy ra khi xem xét nguy cơ cổ phiếu và tài sản bất động sản giảm giá mạnh.
Theo ông Wermuth, chỉ số S&P 500 đã tăng 16% kể từ đầu năm, khiến cổ phiếu được định giá quá cao một cách nguy hiểm, đặc biệt là khi triển vọng thu nhập doanh nghiệp suy yếu. Các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong duy trì lợi nhuận trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn còn ngặt nghèo và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Ngân hàng Morgan Stanley đã cảnh báo rằng điều đó có thể dẫn đến một trong những cuộc suy thoái thu nhập tồi tệ nhất kể từ năm 2008 - một sự kiện mà ngân hàng này dự đoán có thể khiến cổ phiếu giảm tới 16% giá trị.
Rắc rối cũng đang diễn ra trên thị trường bất động sản thương mại. Có khoản nợ trị giá khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong lĩnh vực này sắp đáo hạn và sẽ cần được tái cấp vốn, nhưng lãi suất hiện cao hơn và các ngân hàng đang ngừng cho vay. Điều đó có thể tạo ra một lượng lớn các bất động sản thương mại gặp khó khăn, khiến giá giảm tới 40%.
Lạm phát cũng sẽ giảm nhanh khi tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại ở các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất và giảm mạnh bảng cân đối kế toán trong năm qua để chống lạm phát.
Ông Wermuth cảnh báo: “Đến giữa và cuối tháng 9 khi các ngân hàng trung ương thảo luận về các bước tiếp theo, rõ ràng rủi ro chính sẽ là giảm phát chứ không phải lạm phát”.
Các thị trường đang dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng 9 khi các ngân hàng trung ương ứng phó với lạm phát. Các nhà đầu tư cho rằng có 89% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng 9 và sẽ cắt giảm lãi suất trong quý đầu tiên của năm 2024.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát khi giá tiêu dùng của nước này sụt giảm lần đầu tiên trong hơn hai năm. Hoạt động chi tiêu trong nước yếu đã gây sức ép lên quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Báo cáo công bố ngày 9/8 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chủ chốt của lạm phát, trong tháng 7/2023 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đi ngang trong tháng 6.
Chuyên gia kinh tế Andrew Batson của công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Dragonomics nhận định, những bất ổn đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản là nguồn gốc chính cho "cú sốc giảm phát" này. Đây vốn là lĩnh vực chiếm tới 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu yếu kém cũng là yếu tố góp phần vào tình trạng giảm phát của Trung Quốc khi đây vốn là nguồn tăng trưởng chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi giá hàng hóa rẻ hơn có thể hỗ trợ sức mua, giảm phát lại là mối đe dọa đối với nền kinh tế rộng lớn hơn, vì người tiêu dùng khi đó có xu hướng trì hoãn mua sắm, với hy vọng giá sẽ giảm hơn nữa.
Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn giảm phát ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do sự lao dốc của giá thịt lợn - loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở nước này.
Hiện nhiều nhà phân tích lo ngại tình trạng giảm phát sẽ kéo dài hơn trong lần này, khi các động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc bị đình trệ và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao kỷ lục trên 20%.