Đây là khuyến nghị được đưa ra trong một nghiên cứu của Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Boston (FED Boston) công bố ngày 19/10.
Nghiên cứu do các chuyên gia kinh tế Beth Mattingly thuộc FED Boston và Jess Carson thuộc Đại học New Hampshire tiến hành, theo đó cho thấy lĩnh vực chăm sóc trẻ mầm non tại Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mạnh tại Mỹ. Theo bà Beth Mattingly, sau nhiều năm nghiên cứu vấn đề này, giới chuyên gia biết cách giải quyết vấn đề này, song cần thêm tiền. Bà cảnh báo "nếu không tăng đầu tư, lĩnh vực này sẽ gặp nhiều rủi ro".
Tại Mỹ hiện không có hệ thống công lập chăm sóc trẻ em mà chỉ có các trung tâm chăm sóc trẻ em ở các cơ sở tôn giáo hoặc các tổ chức cộng đồng. Do đó, các phụ huynh chỉ có thể gửi con tới các cơ sở tư nhân với chi phí tốn kém vài nghìn USD mỗi tháng. Khoản phí này được xác định chiếm 10% tổng thu nhập của 25% gia đình người Mỹ có con nhỏ. Một nửa các gia đình Mỹ đăng gặp khó khăn trong chăm sóc trẻ mầm non.
Trong khi đó, các hình thức làm việc từ xa được mở rộng do dịch COVID-19 có thể khiến nhu cầu đối với dịch vụ chăm sóc trẻ mầm non tại khu vực dân cư tiếp tục tăng cao. Điều này sẽ càng gia tăng áp lực đối với các cơ sở chăm sóc trẻ em.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu thấp, các cơ sở vốn đang gặp khó khăn có thể phải đóng cửa, gây một trở ngại khác đối với hoạt động khôi phục kinh tế sau đại dịch khi các bậc phụ huynh chật vật tìm chỗ chăm sóc con cái. Trong khi đó, chi phí phát sinh do các hoạt động đầu tư trang thiết bị đảm bảo an toàn làm gia tăng gánh nặng tài chính đối với các trung tâm chăm sóc sức khỏe đang vận hành, còn đồng lương của người làm trong lĩnh vực chăm sóc trẻ lâu nay vẫn hết sức bấp bênh.
Hiện Mỹ có số bệnh nhân và số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, hơn 7,5 triệu ca mắc và hơn 220.000 ca tử vong. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy nhanh tiến trình thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế duy trì và phục hồi trong thời kỳ dịch bệnh.