Ông Fauci là một thành viên chính trong nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhả Trắng. Ông khẳng định 2 vaccine trên "đáng tin cậy" và tốc độ phát triển nhanh các loại vaccine này hoàn toàn không ảnh hưởng đến độ an toàn hay tính toàn vẹn khoa học. Theo ông, việc phát triển nhanh 2 loại vaccine này phản ánh sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, theo đó vaccine được phát triển chỉ trong vài tháng, thay vì nhiều năm như trước đây.
Đánh giá của ông Fauci được đưa ra trong bối cảnh có những ý kiến lo ngại việc công bố thử nghiệm thành công các vaccine trên có thể mang động cơ chính trị. Ông Fauci khẳng định những dữ liệu về vaccine do đơn vị độc lập công bố, không phải người thân cận với chính quyền cũng như các công ty phát triển vaccine. Theo ông, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ thẩm định cẩn thận những dữ liệu này khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép lưu hành vaccine của Pfizer/BioNTech và vaccine của Moderna.
Dự kiến, trong ngày 20/11, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sẽ nộp hồ sơ lên FDA xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng này phối hợp phát triển và đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm.
Hiện vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech/Pfizer và hãng dược phẩm Mỹ Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua vaccine trên toàn cầu, sau khi các dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn trong tháng này cho thấy các loại vaccine này có hiệu quá ngừa COVID-19 tới 95%. Đột phá này đã thắp lên hy vọng chấm dứt đại dịch đã lây nhiễm hơn 56 triệu người và cướp đi sinh mạng của 1,3 triệu người trên thế giới.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) có thể cấp phép lưu hành 2 loại vaccine ngừa COVID-19 kể trên trước cuối tháng 12 tới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen ngày 19/11 cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ chịu trách nhiệm thẩm định kết quả thử nghiệm 2 loại vaccine này trước khi đưa ra khuyến nghị EC về việc cấp phép lưu hành.
EU hiện có hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tương lai với các hàng dược phẩm BioNTech, Purevac, AstraZeneca và Sanofi. Hiện khối này đang thương lượng hợp đồng mua vaccine với Moderna và Novavax. Bà von der Leyen cho biết EMA giữ liên lạc hằng ngày với đối tác Mỹ FDA trao đổi thông tin về vaccine. EMA thông báo nếu điều kiện cho phép, vaccine do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển sẽ được cấp phép vào giữa cuối tháng 12 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết EU sẽ sớm phê duyệt lưu hành vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 12 tới hoặc vào đầu tháng 1/2021.
Tại Italy, ngày 19/11, người đứng đầu Cơ quan khẩn cấp phòng chống COVID-19 của nước này cho biết sẽ có khoảng 1,7 triệu người Italy được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 1/2021. Đây là nhóm người thuộc diện ưu tiên đươc tiêm chủng gồm người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi.
Cùng ngày, Chính phủ Argentina công bố kế hoạch trong 2 tháng đầu năm 2021 sẽ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 10 triệu người dân, tức 1/4 dân số nước này.
Kể từ sau khi bắt đầu xuất hiện vào tháng 12/2019 và bùng phát mạnh trên toàn thế giới từ tháng 3/2020, dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 đã khiến hơn 56 triệu người lây nhiễm và cướp đi sinh mạng của hơn 1,36 triệu người. Tiêm vaccine được xem là giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó với dịch bệnh, tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay chưa có vaccine ngừa COVID-19, các nước đang kiềm chế sự lây lan dịch bệnh bằng các biện pháp như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, thực hiện giãn cách xã hội và tích cực rửa tay, sát khuẩn...