Theo hãng tin AFP, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cố vấn y tế chính của Tổng thống Joe Biden - nhận định biến thể Omicron “gần như chắc chắn không nghiêm trọng hơn biến thể Delta”.
“Khi nhìn vào một số nhóm đang được theo dõi ở Nam Phi, tỷ lệ giữa ca nhập viện trên ca nhiễm dường như thấp hơn so với chủng Delta”, ông nói.
Ông Fauci đã phân tích những điều đã biết và chưa biết về biến thể Omicron thành 3 yếu tố chính, gồm khả năng lây truyền, khả năng lẩn tránh miễn dịch và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Về khả năng lây nhiễm, ông Fauci cho rằng biến thể mới này “chắc chắn có khả năng lây nhiễm cao”, rất có thể hơn Delta, biến chủng đang chiếm ưu thế trên toàn cầu. Dữ liệu dịch tễ học từ các nhà khoa học Nam Phi cũng chỉ ra người nhiễm biến thể Omicron có khả năng tái nhiễm cao hơn.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng không nên phóng đại ý nghĩa dữ liệu này, bởi các nhóm dân số được Nam Phi theo dõi chủ yếu là người trẻ tuổi, vốn có nguy cơ nhập viện thấp hơn. Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm Omicron cũng có thể mất vài tuần mới trở nặng.
“Tôi nghĩ rằng sẽ cần thêm ít nhất vài tuần nữa để kiểm chứng dữ liệu từ Nam Phi, nơi biến thể mới lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 11. Sau đó, khi chúng ta ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn trên toàn thế giới, có lẽ còn mất nhiều thời gian hơn để đánh giá mức độ nghiêm trọng của Omicron”, ông cho hay.
Tuy nhiên, ông cho hay một biến thể virus ít nghiêm trọng hơn nhưng dễ lây lan hơn, không làm gia tăng số ca nhập viện và tử vong là “tình huống tốt nhất”.
“Tình huống tồi tệ nhất là nó không chỉ lây nhiễm dễ dàng mà còn gây bệnh nặng, dẫn đến một đợt lây nhiễm khác. Tôi không nghĩ tình huống này sẽ xảy ra, nhưng chưa thể chắc chắn được điều gì”, ông nói.
Từ khi được phát hiện cho đến nay, Omicron đã xuất hiện ở ít nhất 42 quốc gia. Mặc dù chưa gây ra bất kỳ trường hợp tử vong nào, song các nhà khoa học đặc biệt lo ngại vì biến thể mới có hơn 30 đột biến nằm ở protein gai, khiến nó khác biệt hẳn so với virus gốc. Các nhà khoa học gọi đó là “chùm đột biến” bất thường khi Omicron có các đột biến nguy hiểm nhất của tất cả các biến thể từ trước tới nay, cho phép nó dễ dàng xâm nhập vào các tế bào hơn.
Ông Fauci cho biết các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguồn gốc của biến thể này. Tuy nhiên, ông đưa ra 2 giả thuyết chính. Thứ nhất là virus đã tiến hóa bên trong cơ thể của một bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như một người bị nhiễm HIV không có khả năng chống lại virus. Giả thuyết thứ 2 là có thể virus đã được truyền từ người sang động vật, sau đó lây lan trở lại người ở dạng đột biến hơn.
Khi được hỏi liệu những người đã tiêm chủng có cần thận trọng hơn trước biến thể mới hay không, cố vấn y tế Fauci cho biết mọi người nên thận trọng, đặc biệt là khi đi lại và đeo khẩu trang khi tụ tập trong nhà, khi chưa rõ tình trạng tiêm chủng của những người khác. Ông nhấn mạnh những người đã tiêm phòng đầy đủ cũng nên tiêm nhắc lại khi đủ điều kiện. Ông cho biết các mũi tiêm tăng cường đã được chứng minh là làm tăng đáng kể mức độ kháng thể, như đã thấy ở Israel, quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm mũi tăng cường sớm hơn Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để biết phản ứng của vaccine với biến thể mới như thế nào và liệu có cần phải tiêm bổ sung trong tương lai hay không.