Theo đài RT, Tiến sĩ kinh tế Denis Domashchenko nhận định trên nhật báo kinh tế Nga RBC rằng đồng ruble mạnh lên và giá dầu cao sẽ tạm thời kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời có thể đẩy giá tiêu dùng tăng cao trong tương lai.
Nhà phân tích này cảnh báo rằng doanh thu ngành năng lượng vượt trội cùng với đồng ruble tăng giá có thể tạo ra hiện tượng “Căn bệnh Hà Lan”.
Trong kinh tế học, “Căn bệnh Hà Lan” thể hiện mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa gia tăng phát triển kinh tế của một lĩnh vực cụ thể và suy giảm trong các lĩnh vực khác. Điều này có thể tác động tiêu cực, phát sinh từ việc giá trị đồng tiền của một quốc gia tăng đột biến do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của một ngành chiếm ưu thế, thường là nhiên liệu hóa thạch. Ban đầu, dòng ngoại tệ đổ vào có thể làm giảm lạm phát trong nước nhưng đồng thời, nó làm chậm sự phát triển của các ngành khác và cản trở tăng trưởng kinh tế, dẫn đến tăng giá tiêu dùng.
Thuật ngữ trên lần đầu tiên xuất hiện trên tuần báo Anh The Economist vào năm 1977, dùng để mô tả cuộc khủng hoảng xảy ra ở nước này sau khi phát hiện ra các mỏ khí đốt tự nhiên rộng lớn ở Biển Bắc vào năm 1959.
Lượng xuất khẩu dầu khổng lồ cũng như giá trị của cải mới được tạo ra làm đồng guild của Hà Lan tăng giá mạnh, khiến cho giá cả mọi sản phẩm phi dầu mỏ của Hà Lan trở nên kém cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tiến sĩ kinh tế nhận định việc đồng tiền Nga mạnh lên gần đây và doanh thu nhiều từ việc bán các sản phẩm năng lượng với giá cao tạo ra rủi ro cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước về lâu dài.
Theo ông Domaschenko, thiết lập một tỷ giá hối đoái cố định thay vì thả nổi như hiện nay sẽ giúp tạo ra cân bằng giữa điều tiết lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nhà kinh tế này cho rằng trước đây, Trung Quốc đã từng áp dụng cơ chế tương tự nhằm giúp ổn định tình hình kinh tế ở nước này.
Ngày 23/5, đồng ruble đã tăng hơn 6% lên giao dịch ở mức 58,75 ruble đổi lấy 1 euro, chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2015. So với đồng USD, ruble cũng tăng 4,6% lên 57,47 ruble đổi lấy 1 USD, không xa so với mức 57,0750 đạt được hôm 20/5 – đánh dấu mức mạnh nhất kể từ cuối tháng 3/2018.
Đồng ruble đã tăng khoảng 30% giá trị so với đồng USD trong năm nay và trở thành đồng tiền tăng trưởng tốt nhất thế giới.