Trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn TASS, ông Kalmykov lưu ý rằng theo số liệu chính thức do Nhật Bản công bố, nước thải xả ra không chứa các đồng vị phóng xạ nguy hiểm như cesium hoặc strontium. Trong khi đó, không giống như các kim loại nặng và các đồng vị phóng xạ như cesium-137 hay plutonium, tritium không tích tụ trong cơ thể sống và do đó không gây nguy hiểm.
Ngoài ra, ông Kalmykov cũng chỉ ra rằng nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trước khi được xả ra đại dương, đã được pha loãng để đảm bảo lượng tritium ở mức cực thấp, vì vậy không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và sinh vật. Tuy nhiên, ông lưu ý thêm điều này còn phụ thuộc vào mức độ tin cậy của dữ liệu cung cấp và nhà khoa học này cho rằng cần có giám định chuyên môn quốc tế trong vấn đề này.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, đã phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng. Lượng nước thải đã trải qua một quá trình xử lý và loại bỏ hầu hết các loại phóng xạ hạt nhân, trừ chất tritium. Lượng tritium còn lại sau đó được pha loãng đến tỷ lệ 1/40, mức nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản, trước khi được thải ra Thái Bình Dương thông qua một đường ống ngầm dài 1km từ nhà máy. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.