Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), tín hiệu tích cực đầu tiên bắt nguồn từ thông điệp năm mới của ông Kim Jong-un trong đó nhà lãnh đạo này xác nhận Triều Tiên có thể cử đoàn đại diện tới dự Olympic Mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc từ ngày 9-25/2 đồng thời chúc sự kiện này sẽ thành công.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP |
Giáo sư Kim Yong-hyun tại Đại học Dongguk đánh giá: “Triều Tiên dường như đang sử dụng Olympic PyeongChang làm bàn đạp cho đối thoại. Hàn Quốc cần xem xét cử một đoàn đại biểu đặc biệt tới Triều Tiên để trao đổi về thể thao”.
Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang tại Viện Sejong (Hàn Quốc) phân tích: “Đáng chú ý là ông Kim Jong-un bày tỏ muốn cải thiện quan hệ liên Triều dựa trên tuyên bố rằng Bình Nhưỡng đã vẹn toàn lực lượng hạt nhân”.
Cũng trong bài phát biểu mừng năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể vươn tới bất cứ đâu tại Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh: "Họ nên nhận ra rằng đây không phải một lời đe dọa mà là thực tế".
Như vậy, khi thể hiện thiện chí đối thoại với Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng thời cũng làm rõ với Mỹ rằng Triều Tiên không hề có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Nhà phân tích Ken Gause tại công ty phân tích CAN (Mỹ) đánh giá: “Triều Tiên cảm thấy Mỹ cần có động thái trước khi bản thân cân nhắc con đường ngoại giao. Do đó, Triều Tiên sẽ tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn hy vọng rằng chính quyền Tổng thống Trump chịu nhún nhường trước”.
Hãng thông tấn Yonhap đồng thời dẫn ý kiến của các chuyên gia đề xuất nên tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bởi Bình Nhưỡng đã chịu đối thoại với Seoul nhưng vẫn duy trì đe dọa quân sự với Washington.