Chuyên gia Singapore khuyến nghị những việc cần làm khi hệ số lây nhiễm tăng

Ngày 16/9, Bộ trưởng Tài chính đồng thời là trưởng nhóm phụ trách chống dịch COVID-19 của Singapore, ông Lawrence Wong, cảnh báo khả năng số ca mắc bệnh tại Singapore sẽ “tăng theo cấp số nhân”, dẫn những dữ liệu mới nhất về tốc độ lây lan dịch bệnh biểu hiện qua hệ số R (số người bị lây nhiễm từ một người mắc bệnh).

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo quan chức này, điều Chính phủ Singapore quan tâm không chỉ là số ca mắc mà còn là tốc độ lây lan của virus. Theo đó, hiện tại hệ số R ở Singapore là hơn 1 trong khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng gấp đôi mỗi tuần.

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục theo xu hướng này, ông Wong cho rằng Singapore thể ghi nhận 1.000 ca mỗi ngày trong 2 tuần hoặc có thể là 2.000 ca mỗi ngày trong 1 tháng. Vì vậy, quan chức này nhấn mạnh điều quan trọng là phải giảm hệ số R và ngăn chặn số ca nhiễm virus tăng cao vì khi số ca mắc bệnh tăng lên có thể kéo theo một số lượng đáng kể những người bị bệnh nặng và tử vong.

Chính phủ Singapore đang hướng đến các biện pháp giúp  giảm hệ số R trong khi tránh phải nâng cảnh báo dịch bệnh. Các biện pháp chủ yếu hiện nay vẫn là tiến hành truy vết tiếp xúc, khoanh vùng các ổ dịch và thúc đẩy xét nghiệm diện rộng.

Hệ số R thường chia làm 2 loại gồm R0 và Rt. Trong đó, R0 là hệ số lây nhiễm cơ bản, là số lượng trung bình người bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ truyền virus cho người khác khi không có miễn dịch hoặc các biện pháp phòng dịch. Rt, thường được các chính trị gia và các nhà khoa học trích dẫn, là số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 thay đổi theo thời gian.

Theo chuyên gia Alex Cook, Phó trưởng khoa nghiên cứu trường Y tế cộng đồng Saw Swee Hock, Rt thể hiện mức độ lây lan của virus ở thời điểm hiện tại, tăng lên và giảm xuống khi khả năng miễn dịch và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thay đổi và khi số ca mắc bệnh tăng lên, hệ số Rt sẽ lớn hơn 1. Chuyên gia Alex Cook cho rằng, sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao “có thể tăng gấp đôi” cả hệ số R0 và Rt.

Theo các chuyên gia, Rt của Singapore hiện gần 1,5, nghĩa là khoảng 2 người mắc bệnh đang lây nhiễm virus cho 3 người khác. Đó là lý do khiến ông Wong cảnh báo số ca mắc bệnh tại Singapore sẽ tăng theo cấp số nhân.

Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội châu Á - Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng, cho rằng sự thay đổi hệ số R có thể “không có tác động đáng kể” nếu Singapore coi COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu như bệnh cúm.

Trong khi đó, chuyên gia Cook cho rằng nếu hệ số R không tăng gấp đôi, các biện pháp phòng dịch và mức độ bảo vệ hiện tại từ vaccine có thể giúp tình hình dịch bệnh tại Singapore dịu lại. Ông này dự đoán rằng nếu Rt tăng tới mức 2, phần lớn dân số Singapore sẽ lây nhiễm SARS-CoV-2 ngay cả khi đất nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng hầu hết sẽ là các ca mắc bệnh nhẹ.

Giáo sư Tambyah cho rằng, Singapore có thể dần dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế, học cách sống chung với dịch bệnh, tiêm chủng cho người cao tuổi và tuân theo các quy tắc phòng dịch, đặc biệt tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và đảm bảo hệ thống y tế hoạt động tốt dù số ca mắc bệnh tăng. Trong khi đó, chuyên gia Cook đề cập các biện pháp để giảm Rt là đeo khẩu trang và giảm tiếp xúc xã hội.

Lê Ánh (TTXVN)
Brazil thay đổi bức tranh toàn cảnh nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19
Brazil thay đổi bức tranh toàn cảnh nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19

Mặc dù khởi động chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 khá muộn nhưng Brazil với dân số 213 triệu người lại đang là một trong những nơi có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN