Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Trung Quốc. |
Trong một vài tháng trở lại đây, sau những bất đồng thương mại, Bắc Kinh thể hiện thiện chí muốn nhượng bộ Washington. Nước này tuyên bố mạnh tay giảm thuế nhập khẩu ô tô, mở cửa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài và bắt đầu cho phép các công ty sản xuất ô tô của Mỹ lắp ráp xe ngay trong nước mà không cần hợp tác với doanh nghiệp địa phương.
Ngày 22/5, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố nước này sẽ giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 25% xuống chỉ còn 15% từ ngày 1/7. Đây là một động thái bất ngờ mà có thể khiến Mỹ công nhận mình đã chiến thắng.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng thể hiện thái độ cứng rắn với những vấn đề lớn. Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục với kế hoạch muốn thâu tóm công nghệ, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI). Cùng lúc, Trung Quốc cấp hàng trăm tỉ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á, châu Phi và châu Âu, từ đó tạo ra sức ảnh hưởng địa chính trị và có lợi thế thương mại.
Về phần mình, Tổng thống Trump lại quan tâm tới tình trạng thâm hụt thương mại (nhập khẩu vượt trội so với xuất khẩu). Giới chuyên gia kinh tế nhận định các biện pháp chặn hàng Trung Quốc của Mỹ đang áp dụng nhầm chỗ. Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là "ông lớn" cung cấp hàng hóa trên thị trường quốc tế, trong khi nền kinh tế Mỹ lại bị phụ thuộc vào chi tiêu tiêu dùng.
Ngoài ra, trong tay Trung Quốc còn một quân bài khác. Bắc Kinh biết rõ Tổng thống Trump còn đang đau đầu một vấn đề khác – Triều Tiên. Tổng thống Trump thực sự mong hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên diễn ra trong tháng 6 và muốn Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với quốc gia Đông Bắc Á này.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in khi ông này có chuyến thăm Mỹ ngày 22/5, Tổng thống Trump ngụ ý rằng chính Trung Quốc chịu trách nhiệm cho khả năng hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ-Triều có thể bị trì hoãn.
Tờ Politico (Mỹ) đưa tin Tổng thống Trump hàm ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người khiến Triều Tiên “đổi giọng” với Mỹ. Tổng thống Trump nói: “Tôi cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bắt đầu thay đổi thái độ kể từ sau cuộc gặp thứ hai của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình vào đầu tháng 5. Tôi không hề thích điều này”.
Trung Quốc hiện chiếm đến 90% giá trị thương mại với Triều Tiên. Việc Trung Quốc hợp tác với các nước khác trong việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt Triều Tiên đã giáng một đòn nặng nề lên chính quyền Bình Nhưỡng.
Ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xác nhận Washington và Bắc Kinh đã nhất trí đình chỉ việc áp thuế lẫn nhau. Hai nước đã đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán thứ hai về một khuôn khổ nhằm giải quyết những bất đồng thương mại gây căng thẳng trong thời gian qua, trong đó Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ lên tới hơn 370 tỷ USD.