Ông khẳng định các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất có hiệu quả đối với biến thể Delta và nhấn mạnh toàn bộ 13 ca bệnh nặng, nhiễm biến thể này trong đợt bùng phát dịch COVID-19 ở thành phố Quảng Châu trong tháng 5 vừa qua, đều không tiêm chủng.
Tờ Tin tức Buổi tối Tiền Giang ngày 2/8 cho biết chuyên gia Chung Nam Sơn đưa ra nhận xét trên trong một bài phát biểu hôm 31/7 tại Quảng Châu – thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Chuyên gia nêu rõ các vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc có thể bảo vệ người dân chống lại biến thể Delta, đồng thời đề cập đến những nghiên cứu với 100 bệnh nhân nhiễm biến thể này ở Quảng Châu trong tháng 5. Ông nhấn mạnh những nghiên cứu sơ bộ cho thấy các loại vaccine của Trung Quốc bảo vệ 100% người tiêm trước nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tỷ lệ hiệu quả lần lượt là 76,9%, 67,2% và 63,2% đối với các thể trung bình, nhẹ và nhiễm bệnh không triệu chứng.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, chuyên gia Chung Nam Sơn cho biết Trung Quốc đã tiêm được nhiều liều vaccine ngừa COVID-19 nhất trên thế giới, nhưng tỷ lệ tiêm chủng tính theo 100 người không cao do dân số quá đông. Theo ông, để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm phòng, Trung Quốc cần tiêm chủng cho 83,3% dân số.
Chuyên gia Chung Nam Sơn cảnh báo toàn bộ 13 ca bệnh nặng ở Quảng Châu hồi tháng 5 đều mắc biến thể Delta và đều chưa tiêm vaccine phòng bệnh. So sánh với đợt bùng phát dịch ở Quảng Châu, chuyên gia Chung Nam Sơn nói rằng đợt bùng phát mới ở thành phố Nam Kinh – thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, đã lan rộng ra các khu vực rộng lớn hơn và điều này đáng được quan tâm. Tuy nhiên, chuyên gia Chung Nam Sơn tin tưởng rằng đợt bùng phát này có thể được kiểm soát trong khoảng 10 đến 14 ngày do các biện pháp hữu hiệu của chính quyền địa phương.