“Truyền thông phương Tây và một số chính trị gia của chúng tôi đang ‘treo súng lên tường’ để chúng tôi có thể nhìn thấy, để chúng tôi làm quen với việc nhìn thấy nó. Rõ ràng là có sự chuẩn bị nhất định cho các cuộc đàm phán có thể xảy ra”, chuyên gia Bortnik nói.
Theo ông, hai yếu tố ảnh hưởng đến cách tiếp cận đàm phán là lượng viện trợ từ phương Tây giảm dần và nỗ lực kêu gọi các nước Nam Bán cầu ủng hộ Kiev thất bại.
Nhà phân tích này nói thêm rằng tình trạng bất ổn của phương Tây buộc Kiev phải thay đổi chiến lược tổng thể với Nga và quay trở lại bàn đàm phán.
Moskva đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Kiev. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moskva nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra “không thực tế”.
Điện Kremlin nhấn mạnh hiện tại, không có điều kiện tiên quyết nào để tình hình chuyển theo hướng hòa bình và các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn là ưu tiên hàng đầu của Moskva.
Hồi tháng 9, Tổng thống Putin tuyên bố Nga chưa từng từ chối đàm phán với Ukraine, nhưng đối phương phải chấm dứt hành động thù địch và thu hồi sắc lệnh cấm đàm phán với Moskva.
Trích dẫn các nguồn tin giấu tên, tờ Bild hôm 24/11 tuyên bố rằng Mỹ và Đức đang cấp “nhỏ giọt” vũ khí cho Ukraine nhằm thuyết phục Tổng thống Zelensky rằng ông không thể giành lại lãnh thổ đã mất. Bild đưa tin, bằng cách cung cấp cho Kiev đủ vũ khí chính xác để giữ vững chiến tuyến hiện tại nhưng không tạo ra bất kỳ bước đột phá đáng kể nào, Washington và Berlin đang nhằm mục đích thúc đẩy ông Zelensky đàm phán dù không yêu cầu ông một cách rõ ràng về điều đó.
Theo đài RT, bất kể thông tin này có đúng hay không, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các gói vũ khí ngày càng nhỏ hơn trong những tháng gần đây. Cuộc thăm dò gần đây của AP-NORC cho hay công chúng Mỹ dường như không ủng hộ Ukraine, với khoảng 45% người dân Mỹ tin rằng Washington đang gửi quá nhiều tiền cho Kiev.