Theo tờ New York Times, nguyên nhân là vì trong thử nghiệm, các hãng dược phẩm chỉ theo dõi xem có bao nhiêu người tiêm vaccine mà vẫn mắc COVID-19. Có khả năng một số người tiêm vaccine sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng, sau đó âm thầm lan truyền virus cho người khác, đặc biệt là khi họ tiếp xúc gần với người khác hoặc không đeo khẩu trang.
Ông Michal Tal, nhà miễn dịch học tại Đại học Stanford, nói: “Nhiều người nghĩ rằng khi đã tiêm vaccine, họ sẽ không phải đeo khẩu trang nữa. Điều thực sự quan trọng mà họ cần biết là họ phải tiếp tục đeo khẩu trang vì họ có thể vẫn làm lây nhiễm virus”.
Trong phần lớn các bệnh viêm đường hô hấp, trong đó có COVID-19, mũi là nơi virus xâm nhập chủ yếu. Virus nhanh chóng nhân số lượng lên ở đó, khiến hệ miễn dịch sản sinh một loại kháng thể ở niêm mạc. Nếu người đó bị nhiễm virus lần thứ hai, các kháng thể này nhanh chóng chặn virus ở mũi để virus không có cơ hội xâm nhập các nơi khác trong cơ thể.
Trái lại, vaccine ngừa COVID-19 được tiêm thẳng vào bắp tay và nhanh chóng hòa với máu, kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể. Một số kháng thể sẽ tới khu vực niêm mạc mũi và “canh gác” ở đó. Nhưng hiện chưa rõ cơ thể có thể huy động được bao nhiêu kháng thể tới đó và huy động nhanh tới đâu. Nếu câu trả lời là không thì virus có thể sinh sôi ở mũi và có thể bị phát tán qua cái hắt xì hơi hoặc hơi thở.
Các chuyên gia cho rằng đó chính là một cuộc đua trong cơ thể: virus sinh sôi nhanh hơn hay hệ miễn dịch kiểm soát virus nhanh hơn.
Đó là lý do các vaccine niêm mạc như thuốc xịt mũi FluMist ngăn chặn virus gây bệnh hô hấp tốt hơn là vaccine được tiêm vào bắp.
Vaccine COVID-19 chứng tỏ khả năng ngăn chặn các ca bệnh nặng, nhưng không có đảm bảo vaccine này phát huy hiệu quả ở mũi.
Ông Deepta Bhattacharya, nhà miễn dịch học tại Đại học Arizona, nhận định: “Ngăn ca bệnh nặng là dễ làm nhất, ngăn ca bệnh nhẹ thì khó hơn. Khó nhất là ngăn chặn mọi ca bệnh. Nếu vaccine hiệu quả 95% trong ngăn chặn bệnh có triệu chứng thì chắc chắn hiệu quả ngăn mọi ca bệnh sẽ thấp hơn”.
Dù vậy, ông Bhattacharya và các chuyên gia khác cho biết họ lạc quan rằng vaccine sẽ kiềm chế virus đủ mạnh ở mũi và họng để khiến người đã tiêm vaccine không thể lây cho người khác.
Các cuộc thử nghiệm vaccine không có dữ liệu về số lượng người đã tiêm mà bị nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Theo các chuyên gia, những người này thực ra lại là đối tượng truyền nhiễm virus nghiêm trọng hơn vì họ có thể có cảm giác an toàn sau khi tiêm vaccine. Do đó, dù đã tiêm vaccine, họ vẫn phải đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và người khác.
Khuyến cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Anh và Nga đã bắt đầu tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.
Theo kênh CNN, người Anh đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech là bà Margaret Keenan 90 tuổi. Bà nhận mũi tiêm vào lúc 13 giờ 31 ngày 8/12 (giờ Việt Nam), chưa đầy một tuần sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn loại vaccine này.
Anh đã đặt hàng 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, nhưng chỉ có 800.000 liều trong đợt tiêm chủng đầu tiên bắt đầu từ ngày 8/12. Anh sẽ có đủ vaccine để tiêm cho khoảng 1/3 dân số. Anh cũng đặt hàng 7 triệu liều vaccine của công ty Moderna và vaccine này có thể được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở Anh sau vài tuần tới.
Trong khi đó, Nga cũng bắt đầu khởi động tiêm chủng hàng loạt vaccine Sputnik V do công ty trong nước sản xuất. Từ ngày 5/12, các trung tâm tiêm chủng khắp thủ đô Moskva đã bắt đầu phân phối Sputnik V cho các nhóm ưu tiên gồm giáo viên, nhân viên y tế… Có trên 5.000 người đã đăng ký tiêm chủng trong 5 giờ đầu tiên.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiêm chủng quy mô lớn trên cả nước bắt đầu từ tuần này. Nga đã trở thành nước đầu tiên thông qua vaccine ngừa COVID-19 do mình sản xuất từ hồi tháng 8. Giới chức Nga cho biết có đủ liều vaccine cho trên 2 triệu trong tổng số 145 triệu người Nga.