Hai tuần sau trận động đất và sóng thần kinh tấn công Nhật Bản, thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng trước những thiệt hại khủng khiếp mà người dân nơi đây phải gánh chịu, đặc biệt là tại các tỉnh ven biển như Iwate, Fukushima, Miyagi. Trong thảm họa ấy, những tấm gương đại diện cho tính cách kiên cường của đất nước và con người xứ sở hoa anh đào đã hiện lên rõ nét hơn bao giờ hết.
Các nhân viên cứu hỏa đang giới thiệu các vật dụng dùng trong công tác làm mát lò phản ứng ở cuộc họp báo tại Trụ sở Cục Phòng cháy chữa cháy Tôkyô |
Vài ngày sau trận động đất và sóng thần, Đội cứu trợ cứu hỏa khẩn cấp phương diện số 6 (Hyperrescue 6) thuộc Cục Phòng cháy chữa cháy Tôkyô được lệnh tham gia “sứ mệnh” dội nước làm mát bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Không ngần ngại, Hyperrescue 6 lập tức lên đường, bất chấp nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ rất cao.
Trong cuộc họp báo ngày 19/3, Đội trưởng Hyperrescue 6, ông Takayama Hideo (54 tuổi) khẳng định, song hành với nhiệm vụ kéo dài suốt 7 giờ 30 phút ấy luôn là “một mối đe dọa thường trực”. Ông Takayama cho biết, khi Hyperrescue 6 đặt chân tới hiện trường lúc 17 giờ ngày 18/3, trước mắt họ là một cảnh tượng khó có thể hình dung. Cái lò cao đồ sộ đã đổ sụp phần nóc, chỉ còn trơ cốt thép.
Theo kế hoạch đã được lập sẵn, xe cứu hỏa cao áp cần trục (loại hiện đại nhất mà Nhật Bản đang có) với công suất phun đạt chiều cao tối đa 22 mét sẽ đưa nước biển vào lò số 3 từ phía bức tường trông ra bờ biển phía đông. Tuy nhiên, cảnh tượng thực tế khác rất nhiều so với tính toán của đội. Khu vực phía bờ biển sau lưng lò số 3 là một đống đổ nát khổng lồ. Chướng ngại vật này đã chặn đứng lối đi của đội, khiến xe phun nước không thể tiếp cận lò phản ứng trong khoảng cách đã tính toán. Vậy là đội cứu hỏa phải tạm rời hiện trường và thay đổi phương án tác chiến.
Thay vì tác nghiệp tại bức tường phía Đông của lò 3, nhóm cứu hỏa chuyển sang hướng di chuyển xa hơn từ phía lò số 1. Để hút nước biển vào xe phun nước thì chiều dài cần thiết của đường ống phải là 800 mét nhưng do đống đổ nát chặn lối đi nên các nhân viên cứu hỏa buộc phải thao tác bằng tay để nối 350 mét đường ống còn lại ra biển. Lúc đó, lượng phóng xạ đo được ở khu vực quanh lò số 3 là 60 milisivert. Với nồng độ phóng xạ cao như vậy, nếu công tác làm mát lò kéo dài quá lâu thì nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ là rất cao.
Với các thành viên của đội cứu hỏa, mối quan tâm lớn nhất lúc này là làm sao nối được đường ống trong thời gian ngắn nhất. Đội trưởng Takayama cùng 20 chiến sĩ cứu hỏa khác mặc áo bảo hộ chống phóng xạ lãnh nhiệm vụ nối 7 đoạn ống, mỗi đoạn dài 50 mét và nặng 100 kg. Trong khi đó, các đội viên khác chịu trách nhiệm theo dõi nồng độ phóng xạ tại khu vực và kịp thời cảnh báo cho đồng đội nếu có thay đổi bất thường. 800m đường ống đã nối xong, người điều khiển xe phun nước lập tức nhấn nút. Như vậy, tổng số thời gian thực hiện công tác làm mát lò, bao gồm cả việc nối đường ống ở trên, chỉ được phép kéo dài tối đa 15 phút.
Kể từ lúc bắt đầu phun nước vào 12 giờ 30 ngày 19/3 tới tối cùng ngày, cứ 15 phút đội cứu hỏa đưa được khoảng 45 tấn nước biển vào bể chứa thanh nhiên liệu trong lò số 3. Đội trưởng quản lý, ông Sato Yasuo (58 tuổi), cho biết: “Ngay trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, tôi nhận được thư điện tử từ vợ chỉ với một dòng ngắn ngủi: ‘Anh hãy là người hùng cứu nước Nhật’”. Chỉ với câu nói ấy, ông Sato đã không quản ngại hiểm nguy để hoàn thành công việc được giao.
Trong khi ấy, một vị đội trưởng khác, ông Tomioka Toyohiko (47 tuổi), đã kể về các đồng đội của mình với giọng đầy xúc động và đôi mắt rớm lệ. Ông gửi lời chia sẻ tới gia đình các thành viên trong đội cứu hỏa: “Tôi thành thật xin lỗi (gia đình các đồng đội). Tôi muốn gửi lời cảm ơn cùng lời xin lỗi vì họ đã phải rất lo âu về người thân của mình”. Sau câu nói đầy xúc động của Tomioka, cả gian phòng chật ních ký giả báo đài và thông tấn Nhật Bản chìm trong im lặng.
Đội trưởng Tomioka Toyohiko kể về công việc hiểm nguy và các đồng đội của mình bằng giọng nghẹn ngào |
Cùng sát cánh với các nhân viên cứu hỏa mưu trí và gan dạ, lực lượng cảnh sát cũng được huy động tham gia nhiệm vụ đầy hiểm nguy này. Sĩ quan cảnh sát – người chỉ huy đội cảnh sát cơ động thực thi nhiệm vụ làm mát lò số 3 vào tối 17/3, ông Oigawa Noriji (56 tuổi) kể về nhiệm vụ của mình bằng giọng đầy tự hào: “Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong một hoàn cảnh ngặt nghèo và khoảng thời gian ngắn ngủi”. Do nồng độ phóng xạ tại lò số 3 đã lên mức rất cao nên công việc mà họ cần hoàn tất chỉ gói gọn trong khoảng 10 phút. 19 giờ ngày 17/3, xe phun nước áp suất cao chĩa thẳng vào lò số 3 và đẩy 44 tấn nước biển vào lò. Ông Oigawa và 4 viên cảnh sát khác đã thực hiện thao tác nhanh gọn này trong lúc phải “cõng” trên người 10kg trang phục bảo hộ.
Sĩ quan Oigawa gửi lời cảm tạ đến 4 người còn lại đã cùng ông “dốc hết tâm sức cho nhiệm vụ đầy khó khăn này”. Khi bắt gặp các nhân viên điện lực chấp hành chỉ đạo của nhà máy và “nhìn thấy bóng dáng làm việc đầy im lặng tại cái nơi nguy hiểm ấy, ông thấy các sĩ quan cảnh sát như mình “cũng cần phải làm điều gì có ích dù chỉ là chút ít”. Ông Oigawa chia sẻ điều bận tâm nhất sau khi nhận nhiệm vụ là sẽ nói sao với gia đình mình để họ khỏi lo âu. Cuối cùng, ông quyết định chỉ gọi điện về cho vợ, nhắn một câu duy nhất rằng: “Anh được lệnh điều đến Fukushima!”.
Hữu Thắng (từ Tôkyô)