Ameer Mehtr đã chia sẻ về quá trình anh dũng cảm vượt qua những con sóng khổng lồ và dòng hải lưu nguy hiểm suốt 7 tiếng đồng hồ để bơi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Mehtr giải thích vì bản thân không có đủ tiền để trả cho những kẻ dẫn người qua biên giới sau khi gia đình anh mất toàn bộ tài sản do cuộc nội chiến kéo dài 5 năm tại quê hương Syria.
Từng tập luyện cùng đội tuyển bơi quốc gia tại thủ đô Damascus, anh nhận ra cơ hội duy nhất để bắt đầu một cuộc sống mới ở châu Âu là phải tự bơi 6,5km xuyên qua biển Aegan từ Thổ Nhĩ Kỳ tới hòn đảo Samos của Hy Lạp.
Ameer Mehtr chụp ảnh "mừng chiến thắng" khi bơi đến Hy Lạp. |
Báo Anh Independent đưa tin, người tị nạn chưa rõ tuổi tác này đã dành ra 7 tháng để tập luyện cho chuyến vượt biển đầy hiểm họa. Gần như mọi ngày, anh đều luyện bơi cùng với một vị huấn luyện viên trên bờ biển Beirut, nơi anh sống sau khi rời bỏ Syria hồi tháng 5.
Đến tháng 9, Mehtr cảm thấy bản thấy sẵn sàng cho kế hoạch vượt biển nên đã dành thời gian nghiên cứu bản đồ về vùng biển Aegan để chọn ra một lộ trình ngắn nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Samos.
Vào cái đêm mà anh quyết định thực hiện kế hoạch từ một bờ biển gần thị trấn Guzelcamli, Mehtr cho biết đã phải chạy suốt 1 giờ để trốn khỏi các sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang canh gác bờ biển hòng đối phó với những kẻ chuyển lậu người qua biên giới.
Kiệt sức cùng với nguy cơ bị bắt đã buộc Mehtr vội vàng bơi ngay khi chạm mặt nước với “đồ nghề” là chiếc quần bơi, mũ bơi, kính bơi và kẹp mũi. Đồ đạc cá nhân gồm điện thoại, vài con chip máy tính lưu giữ ảnh gia đình và quê hương được buộc chặt quanh eo. Một nắm chà là tẩm gừng bọc trong giấy bóng kính là nguồn dinh dưỡng duy nhất giúp Mehtr vượt qua hành trình.
“Mỗi giây trên chặng đường tôi đều nghĩ mình sắp chết”, anh nói với tờ Sunday Times từ một trung tâm tị nạn ở Thụy Điển. “Tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục bơi. Tôi chỉ nhìn thẳng về phía các vách đá đằng trước mặt và nghĩ: ‘Tương lai của ta kia rồi’”.
Sau tất cả, Mehtr cuối cùng cũng đến được Samos, nơi anh được chụp ảnh đứng “vẻ vang” trên bờ biển với sải tay dang rộng và nụ cười rạng rỡ. Từ vị trí này, anh phải đi bộ thêm 11km mới tới được bến cảng nơi anh có thể chính thức đăng ký với các quan chức làm người tị nạn. Mehtr sống một tháng trong các trại tị nạn của châu Âu và lên tàu chật kín những người di cư khác để đến Thụy Điển.
Anh hiện sống trong một trung tâm tị nạn ở quốc gia Scandinavia này. Anh khẳng định câu chuyện vượt biển của mình chắc chắn không phải độc nhất vô nhị.