Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bắt đầu chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8/6 khi Ankara tìm kiếm sự ủng hộ của Nga hoặc Mỹ để thúc đẩy một cuộc can thiệp quân sự mới nhằm vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria.
Trước chuyến thăm, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất thảo luận về việc thiết lập một hành lang vận chuyển an toàn cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Nếu được thực hiện, hành lang Biển Đen sẽ cần có sự hộ tống của hải quân, rà phá bom mìn và kiểm tra để đảm bảo rằng các tàu chở ngũ cốc không vận chuyển vũ khí, những nhiệm vụ tế nhị đòi hỏi vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ vì tầm quan trọng về địa lý của nước này.
Về phía Nga, mặc dù các cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Lavrov tại Ankara được cho là sẽ tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine và các tác động kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tầm quan trọng của chuyến thăm đã tăng lên trong bối cảnh Ankara lên kế hoạch can thiệp vào Syria.
Khi được hỏi về vấn đề này vào tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói rằng Moskva cần thảo luận với phía Thổ Nhĩ Kỳ trước, đồng thời nói thêm rằng các quan chức Bộ Quốc phòng Nga sẽ tháp tùng ông Lavrov trong chuyến công du. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng rằng Ankara sẽ tránh những động thái có thể khiến vấn đề tồi tệ hơn ở Syria, vốn bị tàn phá bởi xung đột.
Phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ một ngày trước đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết: “Chúng tôi đang bước vào một giai đoạn mới với quyết định tạo ra một khu vực an toàn có chiều sâu 30 km dọc theo biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ loại bỏ những ‘kẻ khủng bố’ khỏi Tel Rifaat và Manbij”, đề cập đến Lực lược phòng vệ nhân dân người Kurd (YPG), có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Syria.
PKK bị Ankara bị liệt là “nhóm khủng bố” với cáo buộc tiến hành các hoạt động vũ trang kéo dài gần 4 thập kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức bắt đầu, nhưng tình hình trên các giới tuyến liên lạc với người Kurd đã gần như một cuộc xung đột.
Ông Erdogan hiện đang kiềm chế việc điều quân vào Tel Rifaat và Manbij khi chưa có sự “bật đèn xanh” từ Mỹ, nước ủng hộ chính đối với người Kurd ở Syria; hay Nga, đồng minh chính của Chính phủ Syria. Washington đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các thông điệp của Moskva vẫn chưa rõ ràng kể từ khi ông Erdogan lần đầu tiên đưa ra kế hoạch mới vào tháng trước.
Trong khi thừa nhận những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, Moskva đã đề nghị Ankara nên làm việc với Damascus trên cơ sở Thỏa thuận Adana năm 1998 về hợp tác an ninh giữa hai nước. Nhiều kịch bản khác nhau có thể diễn ra tùy thuộc vào thái độ của Nga.
Kế hoạch can thiệp mới của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như những tranh cãi về nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, với việc Ankara công khai phản đối việc gia nhập của họ liên quan đến YPG và PKK ở các quốc gia Bắc Âu này. Mâu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO được cho là có lợi cho Moskva, do đó khiến Nga thận trọng hơn trước một cuộc tấn công mới của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang có ảnh hưởng nhất định liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, do sự hỗ trợ hiệu quả của Ankara đối với Kiev, vai trò trung gian hòa giải và ảnh hưởng của nước này đối với việc gia nhập NATO đối với Thụy Điển, Phần Lan. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ về việc liệu Nga có thể có nhượng bộ nhất định cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này thực hiện chiến dịch can thiệp quân sự mà không gây hậu quả trên thực địa vì lợi ích chiến lược bên ngoài Syria hay không.
Vào tháng 10/2021, Nga đã thành công trong việc ngăn chặn cuộc can thiệp lần thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ vào phía đông sông Euphrates, nhưng hiện nay, với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, dường như Moskva không muốn làm mất lòng Ankara. Điều này có khả năng đang khuyến khích ông Erdogan chấp nhận rủi ro với kế hoạch can thiệp của mình. Tuy nhiên, các điều kiện dường như vẫn chưa chín muồi đối với vấn đề này trước chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Lavrov.