Chuyển tiếp chính trị Syria sẽ được thảo luận tại hòa đàm Geneva

Vòng hòa đàm Syria dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần này sẽ vẫn tập trung thảo luận tiến trình "chuyển tiếp chính trị" tại quốc gia Trung Đông đang bị chiến tranh tàn phá này.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) phát biểu với báo giới ở Damascus ngày 6/2. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngày 21/2, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề Syria Staffan de Mistura cho biết thông tin trên sau khi có những lo ngại cho rằng LHQ có thể từ bỏ mục tiêu "chuyển tiếp chính trị" tại Damascus.

Trong những ngày gần đây, ông Mistura có vẻ miễn cường sử dụng thuật ngữ "chuyển tiếp chính trị", một khái niệm mà phe đối lập liên hệ tới sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Phát biểu trước báo giới, ông Michael Contet, Chánh văn phòng của Đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria, nói rằng Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ), theo đó kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán về tiến trình chuyển tiếp chính trị, vẫn là cơ sở cho các cuộc hòa đàm dự kiến được tổ chức tại Geneva ngày 23/2 tới.

Ông Contet thông báo các cuộc thảo luận sắp tới sẽ tập trung vào vấn đề thành lập một chính thể không giáo phái, đáng tin cậy và có sự tham gia của các bên, cũng như kế hoạch, tiến trình soạn thảo hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do.

Theo đánh giá của giới phân tích, chuyển tiếp chính trị và lập trường cương quyết của phe đối lập đòi ông Assad phải từ bỏ quyền lực là điểm mấu chốt trong các vòng đàm phán trước đây. Chính quyền Damascus vẫn dứt khoát tuyên bố rằng số phận của Tổng thống Assad không thể được đưa ra thảo luận trong các vòng đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 6 năm qua tại Syria.

Kể từ tháng 4/2016, khi đại diện các phe phái đối địch tại Syria gặp nhau lần cuối tại Geneva, phe đối lập nhận thấy vị thế của họ giảm đáng kể giữa lúc các lực lượng chính phủ đã giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, trong đó có thành trì của nhóm này tại Đông Aleppo. Phe đối lập cũng nhận thấy hai quốc gia hậu thuẫn lớn nhất là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có dấu hiệu thay đổi lập trường, làm dấy lên những quan ngại trong lực lượng nổi dậy rằng yêu cầu của họ về việc ông Assad phải ra đi không được "lắng nghe".

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ xem xét lại mọi vấn đề liên quan đến sự can dự của Mỹ tại Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước nói rằng nước này không còn theo đuổi một giải pháp cho cuộc xung đột Syria, theo đó yêu cầu ông Assad phải từ bỏ quyền lực.

Cùng lúc, người phát ngôn lực lượng Liên minh Quốc gia đối lập ở Syria, ông Ahmad Ramadan cho biết vấn đề then chốt trong vòng hòa đàm Geneva sắp tới sẽ là "chuyển tiếp chính trị". Ông Ramadan khẳng định rằng tại vòng đàm phán lần này, phái đoàn phe đối lập sẽ tập trung đề xuất thành lập một chính phủ chuyển tiếp, nhấn mạnh đây sẽ là một kế hoạch toàn diện cho vấn đề Syria, bao gồm cách thức thực thi kế hoạch dựa trên các nghị quyết của LHQ.

Moskva ủng hộ Nga và Mỹ hợp tác chống IS ở Syria

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 21/2 cho rằng những hoạt động chung giữa Nga và Mỹ tại thành phố Raqqa của Syria có thể trở thành sự khởi đầu của quan hệ hợp tác giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.


Phát biểu tại Diễn đàn sinh viên toàn Nga lần thứ hai với chủ đề "Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quân sự - chính trị và quân sự - kinh tế: những khuynh hướng hiện đại" được tổ chức tại Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của chúng ta là thống nhất nỗ lực. Chúng ta có tất cả khả năng để làm việc này. Chúng ta có kẻ thù duy nhất đó là chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Nga và Mỹ đều thừa nhận chủ nghĩa khủng bố quốc tế là kẻ thù".

Ông Shoigu nhắc lại lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng không thể đơn độc chiến thắng được chủ nghĩa khủng bố. Ông nêu rõ: "Chúng ta có tất cả điều kiện để hợp tác hiệu quả. Không có bất cứ điều gì cản trở chúng ta bắt đầu công việc này.

Hiện, nếu nói chính xác, có thể bắt đầu các hoạt động chung tại Raqqa. Ở đó mọi thứ đều rõ ràng, dễ hiểu, ở đó không có mâu thuẫn... Có thể bắt đầu công việc này. Để làm được việc này chỉ cần lắng nghe và thấu hiểu Nga... Cần phải dừng lại, ngồi vào bàn và bắt đầu nói chuyện bình thường".

Ngoài ra, Bộ trưởng Shoigu cũng cho rằng "cần phải chấm dứt việc dùng Nga để hù dọa khắp thế giới và bắt đầu công việc bình tĩnh, xây dựng và kiên định, chấn chỉnh lại những mối quan hệ hợp tác mà đáng lẽ được xây dựng cách đây 5 - 7 năm về trước".

TTXVN/Tin Tức
Xe quân sự Nga trúng mìn ở Syria, 4 binh sỹ thiệt mạng
Xe quân sự Nga trúng mìn ở Syria, 4 binh sỹ thiệt mạng

Bốn binh sĩ Nga thiệt mạng và 2 người bị thương khi một xe phát nổ hôm 16/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN