Tờ "New York Times" ngày 7/11 đưa tin, mỗi năm Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thanh toán biên lai 10 triệu USD cho nhà mạng AT&T để đổi lại dữ liệu về các cuộc điện thoại nhằm phục vụ công tác điều tra chống khủng bố ở nước ngoài.Dẫn lời các quan chức chính phủ, báo trên cho biết việc hợp tác giữa nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai của Mỹ và CIA trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, chứ không phải do trát hay lệnh của tòa án. Theo thỏa thuận, CIA sẽ cung cấp các số điện thoại của các nghi can khủng bố nước ngoài và AT&T sẽ dựa vào kho dữ liệu khổng lồ của mình để tìm kiếm và cung cấp bản ghi cuộc gọi giúp xác định đối tượng nước ngoài liên quan.
Báo cho biết hầu hết các dữ liệu do AT&T cung cấp là các cuộc gọi mà hai bên là người nước ngoài. Đối với các cuộc gọi quốc tế trong đó một bên có thể là công dân Mỹ, AT&T sẽ từ chối tiết lộ danh tính người gọi cũng như số điện thoại của họ khi ghi lại cuộc gọi theo luật cấm hoạt động tình báo trong nước của Mỹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết, CIA vẫn có thể liên hệ với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) để xin lệnh tòa án yêu cầu AT&T tiết lộ thông tin về các cuộc gọi được giấu số.
Mặc dù không khẳng định hay phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận này, song người phát ngôn AT&T Mark Siegel cho biết mọi hoạt động của công ty đều phù hợp với luật pháp Mỹ và nước ngoài. Trong khi đó, CIA khẳng định các hoạt động tình báo của mình không vi phạm quyền cá nhân của người Mỹ bởi cơ quan này luôn đảm bảo chỉ mua lại thông tin từ hoạt động tình báo nước ngoài và công tác phản gián theo luật của Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên AT&T hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật của chính phủ. Trước đó, hồi tháng 9 vừa qua, nhà mạng này cũng đã cung cấp dữ liệu của các cuộc gọi cho Cơ quan phòng chống tội phạm ma túy của Mỹ (DEA) để phục vụ công tác điều tra theo một hợp đồng có thời hạn 26 năm.
Thỏa thuận về sự hợp tác giữa CIA và nhà mạng AT&T được tiết lộ trong bối cảnh làn sóng phản ứng chính trị ngày càng lan rộng sau khi cựu kỹ thuật viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ nhiều thông tin gây chấn động, trong đó có việc NSA thực hiện chương trình theo dõi tuyệt mật, cho phép cơ quan này và FBI truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty mạng hàng đầu thế giới để thu thập thông tin và nghe lén các cuộc thoại không chỉ của hàng triệu người Mỹ ở trong nước và nước ngoài cùng công dân nhiều nước khác. NSA đã từ chối xác nhận thông tin trên và khẳng định hoạt động do thám của mình phù hợp với quy định của pháp luật và không xâm phạm quyền riêng tư cá nhân.
TTXVN/Tin tức