Tờ Kyiv Post ngày 9/3 dẫn thông tin cùng ngày đăng tải trên website của đài CNN cho biết do đặc biệt lo ngại về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân chiến trường, chính quyền Biden cảm thấy buộc phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn một kịch bản như vậy.
Giải thích mối lo ngại của Washington, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói với CNN: "Nỗi sợ hãi của chúng tôi không chỉ là giả thuyết, mà còn dựa trên một số thông tin mà chúng tôi đã thu thập được".
Thực tế cho thấy vào cuối mùa hè năm 2022, các lực lượng Nga đã phải đối mặt với tổn thất nặng nề khi quân đội Ukraine tiến vào Kherson, một thành phố trọng điểm phía Nam Ukraine mà Nga đã chiếm được trước đó và được nhìn nhận là chiến thắng lớn nhất của Moskva trước Kiev kể từ khi xung đột giữa hai bên bùng nổ vào ngày 24/2/2022.
Các quan chức Mỹ lo ngại rằng Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin có thể nhìn nhận việc Ukraine tiến vào Kherson theo cách khác. Ông chủ Điện Kremlin từng nói với người dân Nga rằng Kherson hiện là một phần của nước Ngamình và do đó, theo một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ khác, ông Putin có thể coi tổn thất nặng nề ở Kherson là mối đe dọa trực tiếp đối với bản thân cũng như đối với Nhà nước Liên bang Nga.
Xem video thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars có thể mang đầu đạn hạt nhân. Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết tên lửa này được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở khu vực Bắc Arkhangelsk và đánh trúng khu vực mục tiêu tại bãi bắn Kura ở Kamchatka. Nguồn: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga
Với đánh giá như vậy, Nga có thể coi một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật như một biện pháp ngăn chặn những tổn thất thêm nữa đối với lãnh thổ do Nga nắm giữ ở Ukraine cũng như bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào vào chính Nga.
Và thế là từ cuối mùa hè cũng như trong suốt mùa thu năm 2022, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã triệu tập hàng loạt cuộc họp để xây dựng các kế hoạch dự phòng nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân của Nga nhằm vào Ukraine, bao gồm việc ngăn chặn và phản ứng như thế nào.
Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình để phát triển các kế hoạch dự phòng cho một cuộc tấn công hạt nhân của Nga và truyền đạt cảnh báo cho phía Nga về hậu quả của một cuộc tấn công như vậy.
Ngoài ra, Mỹ còn tìm cách tranh thủ sự giúp đỡ của các nước không phải đồng minh, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, để ngăn cản Nga thực hiện một cuộc tấn công như vậy.
Về phía Ukraine, tờ Kyiv Post cho biết vài ngày trước khi CNN đăng tải thông tin nêu trên, cựu phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU), đại tá Vladyslav Seleznyov tiết lộ rằng quân đội nước này đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng của Nga vào tháng 4/2022.
Theo ông Seleznyov, việc Nga có thể thực hiện “bất kỳ hình thức khiêu khích nào kể cả bằng vũ khí hạt nhân là điều không có gì đáng ngạc nhiên” và “vào Lễ Phục sinh năm 2022, nhiều quân nhân Ukraine đóng ở thao trường Yavoriv thuộc vùng Lviv đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ".
Cựu phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết thêm lúc đó, ông cũng có mặt tại thao trường Yavoriv và các dấu hiệu về một cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra đã đến "thông qua nhiều kênh khác nhau".
Tuy nhiên, đại tá Seleznyov tin rằng ông Putin đã được thông báo rõ ràng về những hậu quả nghiêm trọng, cả đối với Liên bang Nga lẫn đối với cá nhân nhà lãnh đạo này, nếu tham gia vào một hành động khiêu khích hạt nhân nhằm vào Ukraine và cuối cùng, chính sách ngoại giao hậu trường đã phát huy hiệu quả.
Nga hiện chưa bình luận gì về thông tin do đài CNN và tờ Kyiv Post đăng tải.