Chính quyền Tổng thống Biden cam kết sẽ viện trợ cho các nước khoảng 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và có thể tăng thêm trong những tháng tới đây. Toàn bộ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca được sản xuất trong nội địa Mỹ sẽ nằm trong số này.
Cùng với đó là khoảng 20 triệu liều vaccine của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. AstraZeneca chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ và 60 triệu liều này sẽ được chuyển cho nước ngoài sau khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có đánh giá rà soát an toàn.
Vượt lên những đồn đoán về mục đích của Mỹ, câu hỏi đặt ra ở thời điểm hiện tại là lượng vaccine Mỹ cấp cho những nước đang có nhu cầu cấp thiết là bao nhiêu? Bao nhiêu liều sẽ được dành riêng cho các đối tác của Mỹ? Đến thời điểm hiện tại, thông tin bước đầu cho thấy phần lớn lượng vaccine tài trợ của Mỹ sẽ được thực hiện qua sáng kiến Covax, một chương trình vaccine toàn cầu do Liên hợp quốc đứng sau chuyên cung cấp vaccine cho các nước có thu nhập thâp.
Phát biểu trước Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện hồi tuần trước, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power cho biết khoảng 75% lượng vaccine viện trợ nhiều khả năng sẽ được chuyển qua Covax. Đây có thể coi là một sự bổ sung quan trọng cho Covax, bởi tính đến thời điểm này mới Covax mới chỉ chuyển giao được khoảng 76 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước. 25% còn lại sẽ được dùng để viện trợ, trao tặng theo hình thức song phương.
Nước Mỹ dưới thời ông Biden cam kết đóng góp 4 tỉ USD cho Covax. Để Covax ra quyết định xử lý phần lớn lượng vaccine Mỹ đóng góp cho thế giới được xem là cách thức phù hợp để xác định nước thụ hưởng. Nó cũng giúp Mỹ tránh được những chỉ trích chính trị nếu lượng vaccine này được chia sẻ với các nước được coi là thù địch với Mỹ.
Nhiều nước đã lên tiếng đề nghị được tiếp cận nguồn vaccine từ Mỹ. Nhưng đến thời điểm này mới chỉ có Mexico và Canada nhận được tổng số 4,5 triệu liều. Mỹ cũng thông báo kế hoạch chia sẻ vaccine với Hàn Quốc, với lượng cung cấp đủ để tiêm ngừa cho 550.000 binh sĩ Hàn Quốc. Cấp vaccine cho quan hệ đối tác quân sự Mỹ-Hàn làm dấy lên đồn đoán Mỹ ưu tiên kho vaccine dư thừa cho đồng minh thân cận. Đa phần vaccine cấp cho Hàn Quốc sẽ được thực hiện dưới dạng cho tặng.
Giới chức Nhà Trắng cho biết kế hoạch chia sẻ vaccine vẫn đang trong tiến trình thảo luận, với sự tham gia của các cơ quan liên bang, Covax cùng đại diện bên ngoài như các nhà sản xuất vaccine, chuyên gia về hậu cần vaccine. Tổng thống Biden chưa quyết định tỉ lệ cụ thể về quyên góp, phân bổ vaccine qua các kênh và con số có thể sẽ có thay đổi vào phút chót.
Theo chương trình đặt mua sớm vaccine, chính phủ Mỹ kiểm soát, bao tiêu toàn bộ sản lượng vaccine do các nhà sản xuất nội địa cung ứng trong giai đoạn đầu, để phục vụ nhu cầu trong nước. Pfizer và Moderna gần đây mới bắt đầu xuất khẩu vaccine bào chế tại Mỹ cho các khách hàng nước ngoài. Mỹ đã đặt mua hàng trăm triệu liều vaccine, cả loại đã được cấp phép và loại vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển.
Theo bà Power, cách thức phân phối nguồn vaccine dư thừa của Mỹ cho thế giới đang gặp thách thức và là câu hỏi “cấp thiết” khi có quá nhiều nước hiện có nhu cầu tiếp nhận. Quyết định của Mỹ sẽ được dựa trên một loạt các yếu tố, như tính chất quan hệ của Mỹ với các nước, xu hướng dịch tễ và mối nguy y tế, đâu là nơi vaccine phát huy tác dụng tốt nhất và hạ tầng các nước nhận vaccine có thể đáp ứng.