Cơ hội đối thoại và đoàn kết ở Timor Leste

Theo kết quả kiểm toàn bộ số phiếu được cơ quan bầu cử Timor Leste (STAE) công bố ngày 21/4, ứng cử viên Jose Ramos-Horta đã giành được 62% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2, vượt qua đối thủ là Tổng thống sắp mãn nhiệm Francisco "Lu Olo" Guterres, người nhận được 37%.

Chú thích ảnh
Ứng cử viên Tổng thống Timor Leste Jose Ramos Horta trong chiến dịch vận động tranh cử tại Ermera, ngày 11/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù kết quả chính thức vẫn cần phải được Ủy ban bầu cử Timor Leste xác nhận, song ông Ramos-Horta cho biết đã được Văn phòng Tổng thống đương nhiệm mời đến để thảo luận việc chuyển giao quyền lực.

Nếu kết quả bầu cử được chính thức xác nhận, đây sẽ là nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Ramos-Horta, 72 tuổi và là một trong những nhân vật chính trị nổi bật nhất ở Timor Leste hiện nay. Ông từng giữ cương vị tổng thống nhiệm kỳ 2007-2012 cũng như đảm nhiệm các vị trí thủ tướng và ngoại trưởng kể từ khi quốc gia Đông Nam Á này tuyên bố độc lập vào năm 2002. Năm 1996, ông cũng được đồng trao tặng giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình cho xung đột ở Timor Leste. 

Phát biểu với phóng viên tại thủ đô Dili sau khi kết quả kiểm 100% số phiếu được công bố, ông Ramos-Horta khẳng định đã nhận được đa số ủng hộ từ nhân dân và giờ đây sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại và nỗ lực hàn gắn những chia rẽ và bất đồng. Ông nói: "Tôi sẽ luôn làm điều mà mình đã thực hiện suốt đời... Tôi sẽ luôn theo đuổi đối thoại, kiên nhẫn và kiên định, nhằm xác định nền tảng chung để tìm kiếm giải pháp cho những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt".

Ông Ramos-Horta cũng bày tỏ mong muốn Timor Leste sẽ trở thành thành viên thứ 11 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) “trong vòng năm nay hoặc muộn nhất là năm sau”. Hiện Timor Leste đang giữ cương vị quan sát viên trong ASEAN.

Theo giới quan sát khu vực, thiết lập đối thoại và đoàn kết chính là vấn đề chủ chốt và cũng là thách thức lớn nhất hiện nay của Timor Leste trong bối cảnh quốc gia non trẻ ở Đông Nam Á đang trải qua tình trạng bất ổn chính trị kéo dài từ vài năm qua, cũng như tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế quốc gia. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Ramos-Horta bày tỏ hy vọng có thể vãn hồi ổn định tại Timor Leste nếu đắc cử, cho rằng căng thẳng chính trị đang ảnh hưởng xấu đến nỗ lực xóa đói giảm nghèo, chống tham nhũng cũng như việc phát triển nguồn tài nguyên năng lượng dầu khí ở quốc gia Đông Nam Á. 

Từ vài năm qua, căng thẳng giữa hai chính đảng lớn nhất là đảng Đại hội dân tộc vì tái thiết Timor Leste (CNRT) - chính đảng ủng hộ ông Ramos-Horta, và đảng Mặt trận cách mạng vì một Đông Timor độc lập (Fretilin) - chính đảng ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm Guterres, đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế - chính trị ở Timor Leste. Năm 2018, Tổng thống Guterres đã từ chối chấp nhận tuyên thệ của 7 bộ trưởng thuộc CNRT - động thái đã dẫn đến chia rẽ và bế tắc chính trị. Phải đến tận năm 2021, chính phủ tại Timor Leste mới tương đối ổn định, nhờ liên minh giữa Fretilin và hai chính đảng khác. 

Giới phân tích đánh giá với việc ông Ramos-Horta đắc cử, rất có thể sẽ xảy ra kịch bản đối đầu giữa tổng thống và liên minh đa số tại quốc hội do Fretilin nắm giữ, nếu liên minh hiện nay được duy trì. Bản thân ông Ramos-Horta trước cuộc bầu cử cũng ngỏ ý sẽ giải tán quốc hội hiện nay để tiến hành tổng tuyển cử vào năm sau. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Michael Leach, Giáo sư Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), ông Ramos-Horta có thể lựa chọn chờ xem liệu quốc hội hiện nay có thể thay đổi được hay không trước khi quyết định tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, bởi động thái này thường chỉ diễn ra khi không thể thành lập được chính phủ hoặc không thể thông qua ngân sách. Bên cạnh đó, quyết định giải tán quốc hội cũng có thể mạo hiểm về chính trị, do ngoài CNRT, không chính đảng nào muốn như vậy.

Trong tuyên bố của mình, ông Ramos-Horta khẳng định sẽ phối hợp với chính phủ hiện nay để giải quyết những áp lực kinh tế toàn cầu cũng như các tác động đối với chuỗi cung ứng do khủng hoảng ở Ukraine và diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp ở Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Leach, việc ông Ramos-Horta đắc cử hoàn toàn không phải bất ngờ, bởi phong cách lãnh đạo của ông lâu nay luôn được ghi dấu bởi “năng lực đưa các phe nhóm đối lập đến bàn đàm phán và sử dụng các kỹ năng ngoại giao - điều chắc chắn ông sẽ cần đến trong tình thế hiện nay”. 

Các chuyên gia nhận định cuộc bầu cử tổng thống vừa qua có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội và chính trị ở Timor Leste, với việc nhấn mạnh vai trò của cử tri trẻ, khi ước tính có tới 20% số cử tri lần đầu đi bỏ phiếu trong số gần 860.000 cử tri đủ tư cách. Với khoảng 200.000 cử tri trẻ lần đầu tiên thực hiện nghĩa vụ của mình, thế hệ mới ở Timor Leste sẽ có tiếng nói lớn hơn, đồng thời nêu bật một vấn đề khác mà Timor Leste cần phải giải quyết của một xã hội có độ tuổi trung bình là 18: đó là tạo ra nhiều việc làm và cơ hội giáo dục hơn cho thanh niên. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiện gần 42% dân số Timor Leste sống dưới mức nghèo khó. 

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử năm nay cũng được đánh giá là sự tổng hợp giữa thế hệ lãnh đạo cũ và những chính trị gia trẻ được kỳ vọng mang lại sự đổi thay cho quốc gia Đông Nam Á này. Đây cũng là cuộc bầu cử lần đầu tiên diễn ra kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và là cuộc bầu cử tổng thống có nhiều ứng cử viên nhất, lên tới 16 người, trong đó có 4 phụ nữ. Đã có hơn 75% cử tri thực hiện nghĩa vụ trong cuộc bầu cử vòng 2. 

Theo nhà phân tích khoa học chính trị Acacio Pinto, với đông đảo người dân Timor Leste, cuộc bầu cử lần này được xem là cơ hội mang lại tăng trưởng, thịnh vượng và phồn vinh của đất nước, bởi bất kể ứng cử viên nào giành chiến thắng, kết quả bầu cử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình giai đoạn tiếp theo trong sự phát triển của Timor Leste. Rõ ràng người dân Timor Leste muốn thấy thế bế tắc chính trị cũng như suy thoái kinh tế hiện nay kết thúc, với tổng thống mới có thể duy trì sự ổn định của chính phủ, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực sau suy thoái, giải quyết khủng hoảng liên quan đến COVID-19 dưới góc độ xã hội, chính trị và kinh tế thông qua những biện pháp phù hợp.  

Dự kiến Tổng thống đắc cử Ramos-Horta sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/5 - đúng dịp kỷ niệm 20 năm tuyên bố độc lập của Timor Leste.

Phan Lương (TTXVN)
Bầu cử Tổng thống Timor Leste: Cựu Tổng thống Jose Ramos-Horta giành chiến thắng
Bầu cử Tổng thống Timor Leste: Cựu Tổng thống Jose Ramos-Horta giành chiến thắng

Ngày 20/4, Ban Thư ký bầu cử Timor Leste công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Jose Ramos-Horta, cựu Tổng thống Timor Leste nhiệm kỳ 2007-2012 và được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1996, đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống tại nước này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN