Theo đài truyền hình CNN, trong một tuyên bố vài giờ sau khi nhận được đề xuất cuối cùng từ Israel qua nhà hòa giải Mỹ Amos Hochstein, Tổng thống Liban Michel Aoun cho biết đề xuất này của Israel phù hợp và đáp ứng nhu cầu của Liban, cũng như đảm bảo quyền của Liban với tài nguyên thiên nhiên. Tổng thống Aoun cho hay ông hy vọng thỏa thuận sẽ được thông báo sớm nhất có thể.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Yair Lapid khẳng định thỏa thuận là một thành tựu lịch sử, giúp củng cố an ninh của Israel, đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế của Israel và đảm bảo sự ổn định của biên giới phía bắc nước này. Nhà lãnh đạo Lapid nói đề xuất thỏa thuận đáp ứng tất cả các nguyên tắc an ninh và kinh tế do Israel đưa ra.
Khu vực tranh chấp giữa 2 quốc gia bao gồm mỏ dầu khí Karish và khu vực thăm dò Qanaa, dự kiến được chia phần cho Israel và Liban theo thỏa thuận. Israel cho biết họ sẽ bắt đầu khai thác dầu và khí đốt từ mỏ Karish, sau đó xuất khẩu sang châu Âu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Liban Walid Fayyad cũng cho biết công ty năng lượng Total của Pháp, công ty sở hữu hợp đồng khai phá vùng biển Liban, sẽ bắt tay vào làm việc tại khu vực thăm dò Qanaa ngay lập tức.
Mỏ dầu khí Karish cùng với mỏ Tanin gần đó ước tính chứa khoảng 2-3 tấn khối khí đốt tự nhiên và 44 triệu thùng khí hóa lỏng.
Mặc dù so sánh với sản lượng toàn cầu, lượng nhiên liệu tại mỏ Karish tương đối nhỏ nhưng việc đưa Karish vào khai thác là một bước phát triển đáng hoan nghênh đối với các đồng minh phương Tây của Israel trong bối cảnh xung đột tại Ukraine đẩy giá năng lượng tăng vọt và châu Âu phải tìm kiếm các giải pháp thay thế cho dầu và khí đốt của Nga.