Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Getty Images |
Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 tạm khép lại bằng một hiệp định đình chiến, thay vì một thỏa thuận hòa bình, điều này có nghĩa rằng trên thực tế hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và Khu vực Phi quân sự giữa hai nước - nơi ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un sẽ gặp nhau vào ngày 27/4 tới - vẫn đầy rẫy các bãi mìn và chiến hào.
Phát biểu với các lãnh đạo truyền thông tại Phủ Tổng thống, ông Moon Jae-in nói: “Hiệp định đình chiến kéo dài trong 65 năm qua giờ phải chấm dứt. Việc ký kết một thỏa thuận hòa bình phải được theo đuổi sau khi lời tuyên bố chấm dứt chiến tranh được đưa ra”. Ông Moon đã đưa ra dấu hiệu rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ phụ thuộc vào việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông nói: “Nếu hội nghị thượng đỉnh liên Triều hay hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dẫn tới việc phi hạt nhân hóa, tôi cho rằng sẽ không khó khăn để đạt được các thỏa thuận thiết thực về việc thiết lập một cơ chế hòa bình, bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều hay cung cấp viện trợ quốc tế để cải thiện nền kinh tế Triều Tiên”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) trong cuộc họp tại thủ đô Seou. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Sau phát biểu trên của người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc, một tín hiệu vô cùng quan trọng cũng được phát đi từ Triều Tiên. Hãng thông tấn chính thức KCNA thông báo rằng sau phiên họp toàn thể của Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 20/4, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân từ ngày 21/4/2018. Giới phân tích cho rằng sẽ có sự thay đổi trong quan điểm của Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ. Kim Dong-yub, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc đại học Kyungnam, nói: “Họ cần sự lý giải và biện minh hợp lý cho sự thay đổi trong quan hệ của Triều Tiên với ‘địch thủ’ Mỹ. Có vẻ như họ đã sẵn sàng làm điều đó”.
Trung Quốc, Triều Tiên và quân đội Liên hợp quốc do Mỹ dẫn đầu là các bên ký kết hiệp định ngừng bắn, nhưng Hàn Quốc lại không nằm trong số đó. Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tuyên bố chủ quyền với toàn bộ bán đảo Triều Tiên, nhưng theo hiệp định hòa bình, mỗi nước phải công nhận chủ quyền của phía còn lại. Theo logic, Triều Tiên - một bên tham gia ký kết hiệp định đình chiến - sẽ có lợi thế trong các cuộc đàm phán liên quan đến hiệp định hòa bình hơn Hàn Quốc - bên không ký kết hiệp định 1950-1953. Điều đó sẽ cho phép Bình Nhưỡng có vị thế “chính đáng” và giúp Bình Nhưỡng có quyền đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, trong bối cảnh Seoul là bên đề xuất sáng kiến này, gần như chắc chắn họ muốn tham gia ký kết. Do vậy, để đi tới hiệp định hòa bình, các bên cần phải tinh tế và nhượng bộ nhau về ngoại giao và luật pháp.
Quang cảnh lễ ký Thỏa thuận đình chiến cuộc Chiến tranh Triều Tiên ngày 27/7/1953. Ảnh:ko.wikipedia.org |
Quan điểm chung của Triều Tiên về một hiệp định hòa bình đó là nó sẽ giúp loại bỏ lý do để Mỹ duy trì quân đội tại Hàn Quốc. Go Myong-hyun, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Asan ở Seoul, nói: “Một thỏa thuận đưa ra chỉ nằm trên giấy tờ: Vậy hành động của các bên là gì? Sự thu hẹp liên minh Mỹ - Hàn và hủy bỏ vĩnh viễn các cuộc tập trận chung? Nếu bạn ký kết hiệp định hòa bình, tại sao Mỹ - Hàn cần tổ chức tập trận?” Một bất đồng lớn khác giữa Seoul và Washington đó là việc chuyển giao kiểm soát quân đội Hàn Quốc cho Seoul thay vì nằm dưới quyền phụ trách của Bộ Tư lệnh Mỹ. Nếu xét tới việc Mỹ có ưu thế hơn trong các cuộc chiến, thì hiện chưa có lộ trình rõ ràng nào cho việc thực thi kế hoạch này.
Trong khi đó, một hiệp định hòa bình có thể đòi hỏi sự thay đổi Hiến pháp và thể chế ở cả hai miền Triều Tiên: mỗi bên phải công nhận phía còn lại và không một bên nào có thể đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ bán đảo Triều Tiên nữa.Điều này có thể khiến Hàn Quốc - một quốc gia dân chủ - “bẽ mặt”, bởi nó sẽ kéo theo nhiều tranh cãi chính trị. Chính phủ ông Moon
Jae-in đang đối mặt với sự phản đối trong Quốc hội về đề xuất trưng cầu ý dân thay đổi Hiến pháp trùng với thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 6 tới. Một hiệp ước hòa bình cũng đòi hỏi Hàn Quốc phải hủy bỏ Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi, trong đó bao gồm một loạt lệnh trừng phạt về hành động giao thương với Triều Tiên. Bước đi này cũng sẽ đối mặt với sự phản đối của phe bảo thủ. Nhìn từ bên ngoài, sự thay đổi có thể dễ dàng hơn với Triều Tiên. Quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần như không phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát và đối trọng. Tuy nhiên, nó sẽ đòi hỏi sự thay đổi lớn trong việc tuyên truyền và định hướng dư luận, bởi lâu nay, sứ mệnh của Triều Tiên đó là tiến hành thống nhất hai miền dưới sự lãnh đạo của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, một hiệp định hòa bình không thể cung cấp sự đảm bảo an ninh tuyệt đối. Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kukmin ở Seoul, nói: “Một hiệp định hòa bình có thể phải bao gồm cam kết rằng Mỹ sẽ không xâm lược Triều Tiên cùng một lời đảm bảo giống như trong quan hệ Mỹ - Cuba: cho dù có khác biệt tới đâu, Mỹ vẫn không tấn công Cuba. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn với Triều Tiên không phải một cuộc tấn công của nước ngoài, mà là sự kết hợp của bất ổn trong nước và cuộc tấn công của nước ngoài, và không một tổng thống Mỹ nào có thể đảm bảo an ninh của chính phủ Triều Tiên trước mối đe dọa như vậy”.
Ngày 27/4 tới, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 sẽ diễn ra. Bầu không khí ngoại giao và chính trị trên Bán đảo Triều Tiên đang thay đổi nhanh chóng và đầy lạc quan trong khoảng 1 tháng quá. Giới quan sát đánh giá - với những động thái của cả Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ - cơ hội để ký một Hiệp định hòa bình chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên không phải là điều quá mơ hồ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với kinh nghiệm của hai lần thượng đỉnh liên Triều 2000 và 2007, Triều Tiên và Hàn Quốc còn khá nhiều việc phải làm để biến mong muốn thành hiện thực, trong đó sự chân thành và nhượng bộ của cả hai bên là rất quan trọng.