Cơ hội tiếp tục xây dựng 'Algeria mới'

Ngày 7/9, hơn 24 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu để bầu ra tổng thống tiếp theo của Algeria trong số 3 ứng cử viên được Ủy ban Bầu cử Quốc gia chấp thuận.

Chú thích ảnh
Cử tri Algeria bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Algiers. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trái ngược với cuộc bỏ phiếu năm 2019, diễn ra trong bối cảnh bất ổn với phong trào biểu tình Hirak dâng cao và tỷ lệ người dân tham gia đi bầu chưa đến 40%, cuộc bầu cử năm nay có phần thuận lợi hơn. Giới phân tích nhận định Tổng thống đương nhiệm Abdelmajid Tebboune nhiều khả năng tái đắc cử. Điều được giới chức quan tâm nhất hiện nay là kêu gọi người dân thực hiện quyền làm chủ của mình và thể hiện một Algeria đoàn kết trong xây dựng đất nước.

Cuộc bầu cử năm nay là cuộc đua tam mã giữa Tổng thống Tebboune cùng ông Abdelaali Hassani Cherif - Chủ tịch đảng Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP, có tư tưởng Hồi giáo ôn hòa) - và ông Youcef Aouchiche, Bí thư thứ nhất đảng Mặt trận Lực lượng Xã hội Chủ nghĩa (FFS). 

Ông Aouchiche là người trẻ nhất trong số 3 ứng cử viên tổng thống, nhưng có nhiều kinh nghiệm trên chính trường. Sinh năm 1983 tại Boghni, ông có bằng khoa học chính trị của Đại học Algiers. Năm 2002, ông gia nhập FFS và từ năm 2020 là Bí thư thứ nhất. Tháng 6 vừa qua, ông Aouchiche trở thành ứng cử viên tổng thống sau quyết định tham gia tranh cử của FFS. Đây là lần thứ hai đảng này tham gia bầu cử tổng thống sau cuộc bầu cử năm 1999. Trong cương lĩnh tranh cử, ông Aouchiche ủng hộ những cải cách sâu sắc nhằm khôi phục các mối quan hệ chính trị và xã hội; chủ trương tăng cường phân cấp và củng cố các thể chế dân chủ. Ông muốn ưu tiên cuộc chiến chống đói nghèo bằng cách cải thiện sức mua và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất. Ông dự định tăng gấp đôi mức lương tối thiểu lên 40.000 dinar (2 euro), tăng trợ cấp gia đình và học bổng cho sinh viên; tạo thu nhập cho các bà nội trợ, người khuyết tật và người thất nghiệp đồng thời đưa ra thuế tài sản.

Trong khi đó, ứng cử viên Cherif, 57 tuổi, đại diện cho MSP, chủ trương lựa chọn các cách tiếp cận ôn hòa và duy trì sự ổn định lâu dài. Ông khẳng định quan điểm thay đổi là cần thiết, nhưng phản đối những chuyển đổi sâu sắc. Trong lĩnh vực kinh tế, ông dự định thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khẳng định đây là động lực của nền kinh tế đất nước. Ông cũng ủng hộ việc thiết lập nền pháp quyền và một hệ thống tư pháp độc lập.

Ứng cử viên cuối cùng, đương kim Tổng thống Abdelmajid Tebboune, sinh năm 1945 tại Mecheria. Ông đắc cử ngày 12/12/2019 trong một cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri tham gia đi bầu chỉ khoảng 40%, sau các cuộc biểu tình lớn của phong trào Hirak dẫn đến việc Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải ra đi sau 20 năm cầm quyền. Ông tái  tranh cử nhiệm kỳ thứ hai dưới danh nghĩa ứng cử viên độc lập, tuy nhiên vẫn được một số đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ. Tổng thống sắp mãn nhiệm cam kết duy trì sự ổn định của đất nước thông qua tiếp tục các cuộc cải cách dù chưa tạo được sự đột phá lớn. Ông dự định đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Nhà lãnh đạo này cam kết tăng gấp đôi lương và tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước lên 400 tỷ USD vào năm 2027, kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4%. Ông cũng đặt mục tiêu tăng xuất khẩu phi dầu khí lên 15 tỷ USD vào năm 2025 và đảm bảo tự cung tự cấp về lúa mì, ngô và lúa mạch.

Trong cuộc đua quyền lực này, Tổng thống Tebboune cũng có được lợi thế từ việc giá khí đốt tự nhiên tăng cao kể từ năm 2022, trong khi Algeria là nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu châu Phi. Tình hình kinh tế nước này đã được cải thiện kể từ năm 2022 với mức tăng trưởng hằng năm khoảng 4% và dự trữ ngoại hối hiện tại là khoảng 70 tỷ USD. Trong cuộc vận động gần đây ở Oran (miền Tây), ông Tebboune cam kết sẽ tạo ra 450.000 việc làm mới, tăng lương tối thiểu và tăng mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng từ 13.000 lên 20.000 dinar (147 USD). Ông cũng cam kết đánh giá lại tiền lương, lương hưu và phân bổ nhà ở xã hội.

Báo chí Algeria và giới quan sát quốc tế đều nhận định không có ứng cử viên nào trong 2 ứng cử viên còn lại có đủ năng lực để vượt qua Tổng thống Tebboune trong cuộc bầu cử lần này. Đương kim Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune được cho là ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc bầu cử ở quốc gia có nền kinh tế lớn thứ tư châu Phi và là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất “Lục địa Đen”. Các phương tiện truyền thông đã nêu bật những thành tựu xây dựng một “Algeria mới” của Tổng thống Tebboune. Một yếu tố quan trọng là ông có được sự ủng hộ của chính quyền. Những yếu tố này có nghĩa là Tổng thống Tebboune gần như được đảm bảo có nhiệm kỳ thứ hai mà không cần đưa ra một chương trình hay thực hiện một chiến dịch tranh cử lớn nào.  

Tổng thống Tebboune mong muốn có nhiệm kỳ thứ hai để tiếp tục công cuộc tái thiết chính trị và kinh tế mà ông cho rằng sẽ giúp xây dựng một “Algeria mới”, vốn bị gián đoạn ít nhiều bởi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và tham nhũng. Ông khẳng định trong 5 năm qua, Algeria đã đạt được cột mốc quan trọng đầu tiên để trở thành nền kinh tế mới nổi. Những thành tích kinh tế trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua là điểm tựa cho chiến dịch tranh cử lần này và Tổng thống Tebboune tin rằng đang “đưa đất nước đi đúng hướng” để phát triển. Điều đó sẽ được kiểm chứng qua lá phiếu của cử tri Algeria.

Trung Khánh (PV TTXVN tại Algeria)
Algeria được chấp thuận gia nhập Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS
Algeria được chấp thuận gia nhập Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS

Việc trở thành thành viên sẽ mang đến cho Algeria - quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu châu Phi - "những triển vọng mới để hỗ trợ và củng cố tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN