'Cơ hội vàng' cho hòa bình và ổn định tại Syria liệu có bị bỏ lỡ?

Trong bối cảnh các vòng hòa đàm về Syria do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ đã kéo dài suốt 2 năm qua mà chưa có đột phá, Đại hội đối thoại dân tộc Syria, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/1 tới tại Sochi (Nga) được kỳ vọng có thể đem tới một giải pháp hòa bình và chính trị cuối cùng, chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này.

Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura (giữa) tại vòng hòa đàm ở Vienna, Áo ngày 25/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, việc phe đối lập Syria tuyên bố không tham dự đại hội như một “gáo nước lạnh” dội vào nỗ lực của các bên, khiến cánh cửa đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria đang trở nên hẹp hơn.

Những chuyển biến tích cực gần đây làm thay đổi hoàn toàn cục diện tại Syria là lý do khiến Đại hội đối thoại dân tộc Syria nhận được nhiều sự quan tâm và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

Thắng lợi của quân đội Chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của Nga trước tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, đưa cuộc chiến chống IS tại Syria nói riêng và tại Trung Đông nói chung đi đến hồi kết.

Vòng đàm phán hòa bình Syria, do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran khởi xướng tại Astana, Kazakhstan trong năm 2017 cũng thu được những bước tiến khả quan.

Theo đó, lần đầu tiên 4 vùng “giảm căng thẳng” đã được thiết lập tại các khu vực từng là “điểm nóng” ở Syria gồm tỉnh Idlib, khu vực Bắc tỉnh Homs, Đông Ghouta và các tỉnh miền Nam, đưa Syria bước vào một thời kỳ yên bình hiếm hoi, cũng như nâng cao vị thế của 3 nước bảo trợ thỏa thuận ngừng bắn, nhất là Nga.

Các sự kiện này, cùng với nhiều động thái tích cực khác, trở thành những “đòn bẩy” vô cùng quan trọng, tạo bước ngoặt trong việc giảm thiểu căng thẳng, mở ra giai đoạn mới: đối thoại và đàm phán chính trị tích cực nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã sắp bước sang năm thứ 8 ở Syria.
 
Đặc biệt, việc thúc đẩy đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan tại Syria nhằm đạt được một giải pháp chính trị đang trở nên cấp thiết khi các sáng kiến cũng như 9 vòng đàm phán hòa bình về Syria do LHQ bảo trợ vẫn “dậm chân tại chỗ”, chưa đưa ra được bất kỳ giải pháp cụ thể nào.

Nắm bắt cơ hội này, Nga đã nhanh chóng tham vấn với 2 nước còn lại trong “Bộ ba Astana” thúc đẩy việc tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc Syria, nhằm giúp các phe phái, đại diện các tầng lớp ở Syria có thể trực tiếp và nghiêm túc bàn về tương lai đất nước hậu IS, cũng như tìm kiếm tiếng nói chung về tiến trình cải cách Hiến pháp và chuẩn bị các cuộc bầu cử do LHQ giám sát.

Nếu kịch bản này diễn ra một cách thuận lợi, đây sẽ là lần đầu tiên các phe phái đối địch ở Syria có cơ hội ngồi chung một bàn đàm phán, mà không phải thông qua các cuộc gặp riêng rẽ với Đặc phái viên LHQ về Syria như tại các vòng hòa đàm ở Geneva.

Tiền đề này chắc chắn sẽ trở thành một hướng đi đúng đắn được dư luận hoan nghênh và thúc đẩy nhằm giúp chính những người dân Syria tự quyết định tương lai của mình theo đúng Nghị quyết số 2254 của LHQ. Bên cạnh đó, việc LHQ công nhận tính hợp pháp của Đại hội đối thoại dân tộc Syria, tồn tại song song với các vòng đàm phán hòa bình của tổ chức này, quyết định cử Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura tham gia và mong muốn đại hội đóng góp cho tiến trình tìm ra giải pháp hòa bình ở Syria mà LHQ đang theo đuổi, là những bằng chứng cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức cuộc đối thoại tại Sochi, và là động lực giúp cuộc đối thoại có cơ hội đạt kết quả.

Tuy nhiên, cơ hội này có được nắm bắt và thúc đẩy trên thực tế hay không lại là chuyện khác, nhất là sau khi Ủy ban đàm phán Syria (SNC) của nhóm đối lập chính tại Syria, cùng hàng chục nhóm đối khác từ chối tham gia Đại hội đối thoại dân tộc ở Sochi.

Phải thừa nhận rằng sẽ không dễ để tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề chông gai hiện nay ở Syria khi các bên liên quan đều có những toan tính riêng và nhất là không bên nào muốn từ bỏ “miếng bánh” lợi ích tại Syria.

Nếu trước kia, các bên cùng có mục tiêu chung là đánh bật IS ra khỏi đất nước, thì sau khi lực lượng này bị đánh bại, với hệ tư tưởng riêng và lực lượng ủng hộ khác nhau, các phe phái tại Syria đều muốn khẳng định mình “trên cơ” trong “bàn cờ” chính trị tại Syria.

Chính mâu thuẫn dai dẳng giữa các phe phái tại Syria - nguyên nhân khiến các vòng hòa đàm vừa qua do LHQ bảo trợ thất bại - cũng sẽ là một lực cản tạo thách thức lớn đối với Đại hội đối thoại dân tộc sắp tới.

Thái độ thiếu hợp tác của phe đối lập Syria trong vấn đề này thực sự đang “phủ bóng đen” lên hy vọng sẽ có cuộc đối thoại dân tộc đầu tiên thành công hay tạo đột phá cho cuộc khủng hoảng Syria.

Đó là chưa kể mối liên kết giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran - 3 nước bảo trợ cuộc đối thoại - không bền chặt do vẫn tồn tại khá nhiều bất đồng, cũng sẽ ít nhiều tác động đến việc tổ chức đại hội.

Nếu Ankara cho rằng giải pháp chính trị ở Syria phải theo hướng Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi và Syria phải được đặt dưới quyền kiểm soát của lực lượng Hồi giáo theo dòng Sunni, thì Moskva lại chủ trương duy trì giải pháp chính trị thể hiện vai trò của Nga tại khu vực nói chung và tại Syria nói riêng, trong đó Tổng thống Assad là người đứng đầu quốc gia Trung Đông.

Dù cũng muốn Tổng thống Assad tại vị, song Iran lại có những tính toán riêng đôi khi không đồng nhất với mục tiêu của Nga.

Chính sự khác biệt khó dung hòa về quan điểm của 3 nước này trong tiến trình mang lại hòa bình cho đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá, cùng những bất đồng về sự tham gia của người Kurd vốn bị Ankara coi là lực lượng khủng bố, trong các vòng đối thoại đã khiến Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran từng bỏ lỡ cơ hội tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc hồi tháng 11/2017.

Trong khi đó, việc Mỹ hậu thuẫn lực lượng người Kurd lên kế hoạch thiết lập một lực lượng an ninh biên giới lên tới 30.000 ngay sát Thổ Nhĩ Kỳ, kéo theo biện pháp đáp trả từ phía Ankara với chiến dịch “Nhành Ôliu” tấn công Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở miền Bắc Syria, có thể là “mồi lửa” khiến “điểm nóng” Syria tăng nhiệt trở lại bất cứ lúc nào, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho quốc gia Trung Đông này, mà trước mắt là tương lai của Đại hội đối thoại dân tộc Syria.

Rõ ràng để tất cả các phe phái và các bên liên quan ở Syria có thể tìm được một tiếng nói chung, đòi hỏi phải có thiện chí và nỗ lực rất lớn.

Một giải pháp chính trị được tất cả các bên chấp nhận trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria hiện được coi là cách duy nhất để mang lại nền hòa bình và ổn định cho quốc gia Trung Đông.

Vấn đề là các bên có thể sẵn sàng nhượng bộ và hài hòa lợi ích để nắm bắt “cơ hội vàng” đối thoại nghiêm túc tại Sochi hay không.

Ngọc Hà (TTXVN)
Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về vùng an toàn tại Syria
Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về vùng an toàn tại Syria

Người phát ngôn Lầu Năm góc, Trung tướng Kenneth McKenzie ngày 25/1 cho biết các chỉ huy quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về khả năng thiết lập một "vùng an toàn" dọc biên giới Syria trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự tại khu vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN